Bến Tre tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản
Giãn cách xã hội trong tình hình dịch COVID-19 khiến việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản của người dân không dễ dàng như ngày thường. Đa dạng hóa kênh phân phối hàng hóa nông sản, cùng với những quyết sách đúng đắn kịp thời, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn cho đầu ra nông sản.
Thu hoạch nông sản
Trong tình hình dịch COVID-19, mùa vụ vẫn được gieo trồng và sản xuất hàng hóa nông sản vẫn diễn ra. Do giãn cách và phong tỏa ở nhiều nơi khiến việc mua bán, đi lại gặp khó khăn, dẫn tới hàng nông sản ứ đọng, khó tiêu thụ.
Tại buổi họp trực tuyến mới đây, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đã có báo cáo về các loại hàng hóa nông sản đang bước vào thu hoạch, kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ đến Tiểu ban hậu cần - Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh. Hiện huyện Bình Đại có lượng hàng hóa nông sản dồi dào.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết: “Nhãn xuồng có sản lượng nhiều nhất, đang cần nhanh chóng bán ra, không thể neo lại vì trái sẽ rụng. Từ đây đến cuối tháng 7/2021, có khoảng 100 - 105 tấn nhãn xuồng cần thu hoạch. Dừa xiêm khoảng 10 ngàn tấn. Ngoài ra, huyện còn có củ sắn, củ cải, dưa hấu. Dưa hấu hiện chưa chín rộ. Qua tháng 8/2021, có khoảng 1 ngàn tấn dưa thu hoạch. Thủy sản đang khuyến cáo người dân neo lại qua đợt giãn cách. Con tôm cần được tiêu thụ thu mua. Toàn huyện có khoảng 20 thương lái, thu mua tôm, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh bạn”.
Huyện Ba Tri, có 3 mặt hàng chính là lúa, cá và bò. Lúa đang đứng đòng chưa thu hoạch. Lượng cá (đánh bắt) về rất ít; việc mua bán bò đang chậm lại. Huyện Châu Thành, có 4 mặt hàng trái cây như: chôm chôm 35 tấn, nhãn xuồng 460 tấn, dừa uống nước và bưởi nhưng có thể neo lại trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Huyện Thạnh Phú đang bắt đầu thu hoạch tôm nuôi thâm canh. Diện tích sò nuôi trong điều kiện nước bắt đầu ngọt khiến người dân phải di dời vùng nuôi sò, đến đầu tháng 8-2021 thu hoạch khoảng 500 tấn.
Huyện Mỏ Cày Nam, heo và gà vẫn xuất bán, lưu thông bình thường. Sản lượng thịt heo và gia cầm dồi dào có thể chia sẻ cho nhiều địa phương khác. Huyện Chợ Lách đang có khoảng 500 tấn nhãn xuồng cần đầu ra. Trong 14 ngày, huyện Giồng Trôm có 1.400/2.500ha dừa xiêm xanh cần hỗ trợ tiêu thụ, neo 2 tuần sẽ bị cứng.
Đa dạng kênh phân phối
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, để đảm bảo kết nối phải có sản lượng và đầu mối kết nối, có địa chỉ cụ thể, tiện cho các đối tác. Huyện cần chỉ đạo, có số liệu nông sản cần giải tỏa; trong đó, ưu tiên loại nông sản nào cần tiêu thụ ngay, những sản phẩm nào còn neo được thì neo. Đặc biệt, quan tâm phòng chống dịch COVID-19 do khâu thu hoạch cần nhiều nhân công. Sở sẽ nhanh chóng có số liệu để thực hiện việc kết nối tiêu thụ hàng hóa trong những ngày giãn cách còn lại.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, nhãn xuồng cơm vàng là mặt hàng đang có sản lượng nhiều nhất, với khoảng 2 ngàn tấn cần tiêu thụ.
Xác định tiêu thụ hàng hóa nông sản trong tình hình dịch COVID-19 không phải là vấn đề dễ dàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng tiểu ban hậu cần - Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho rằng: “Phải nắm sát sản lượng mới có thể hỗ trợ người dân đầu ra cho nông sản. Đối với rau, củ, quả thì kết nối tiêu thụ trong tỉnh. Trái cây, dừa và thủy hải sản thì tiêu thụ chủ yếu ngoài tỉnh, trong tỉnh chỉ một phần nào. Về giá cả, phải có sự can thiệp của Nhà nước để thống nhất một giá sau khi cân nhắc giữa giá bình quân và giá thị trường”.
“Trước mắt, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hỗ trợ kênh tiêu thụ hàng nông sản trong tỉnh. Sau khi nắm chính xác sản lượng hàng hóa, Sở Công Thương chủ trì việc phối hợp với các huyện để kết nối với thương lái trong tiêu thụ hàng nông sản ra ngoài tỉnh, bán trên sàn thương mại điện tử. Giải pháp sau cùng là kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ trên toàn quốc như vải thiều của Bắc Giang đã làm”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh - Trưởng tiểu ban hậu cần - Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu.