Bến Tre thúc đẩy thu hút đầu tư mở rộng cụm công nghiệp
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre vẫn tập trung hoạt động thu hút đầu tư phát triển Cụm công nghiệp (CCN) Tân Thành Bình. Đến nay, kết quả thu hút đầu tư đạt trên 70%. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Thu hút đầu tư
Theo Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) giai đoạn 2020 - 2025, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre sẽ thu hút 200 - 280 doanh nghiệp (DN), 1,1 - 1,2 ngàn cơ sở sản xuất, giải quyết 21 - 22 ngàn lao động. Mục tiêu đến năm 2025, mức tăng trưởng bình quân từng lĩnh vực CN - xây dựng tăng 15,79%; giá trị sản xuất ngành CN - xây dựng đạt 4.730 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất CN 2.790 tỷ đồng, chiếm 59%.
Trên cơ sở xác định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển CN-TTCN và quy hoạch, mở rộng CCN, thời gian qua, huyện quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN đầu tư mới, mở rộng sản xuất. Từ đó, thúc đẩy và tạo động lực phát triển ngành CN-TTCN trên địa bàn.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thanh Vũ cho biết: Xác định mục tiêu thu hút đầu tư phát triển ngành CN-TTCN sẽ mang lợi thế cạnh tranh, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy, UBND huyện chú trọng hoạt động mời gọi đầu tư. Trong điều kiện dịch COVID-19, thông tin của DN và các thủ tục đầu tư được thực hiện online, nhờ đó tiến độ thu hút đầu tư, mở rộng CCN đảm bảo theo yêu cầu.
Cùng với đó, các sở, ngành tỉnh Bến Tre liên quan đã quan tâm hỗ trợ, mời gọi DN lớn ngoài tỉnh. Đến nay, CCN Tân Thành Bình có tổng diện tích đất kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp là 24,12ha. Trong đó, huyện giao đất cho Công ty TNHH Thương mại Việt Vương 9,31ha (giai đoạn 1). Công ty này đã hoàn thiện đi vào sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, có 5 nhà đầu tư đã đăng ký vào CCN, với tổng diện tích 9,23ha. Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Việt Vương tiếp tục đầu tư 4,8ha, với ngành nghề hoạt động may mặc. Công ty cổ phần Than hoạt tính Toàn Cầu 1,65ha, hoạt động sản xuất than hoạt tính. Công ty TNHH Kỹ thuật ADEC 0,72ha, hoạt động sản xuất thiết bị điện. Công ty MIRAI 0,4ha (một phần lô B3) hoạt động nghề điện tử. Công ty TNHH Sài gòn Wicker 1,66ha hoạt động sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thanh Vũ, huyện sẽ có buổi trao đổi với các DN để nắm thêm thông tin về tổng mức đầu tư, quy trình sản xuất cũng như các vấn đề môi trường, nhằm đảm bảo tính chất CCN. Các DN đã đăng ký sẽ cùng huyện đầu tư hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành CCN Tân Thành Bình.
Lấp đầy và mở rộng cụm công nghiệp
Định hướng của huyện đến năm 2030, CCN Tân Thành Bình lấp đầy 100%. Đồng thời, hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 CCN Thanh Tân, CCN Hòa Lộc. Xác định mục tiêu thu hút đầu tư phát triển ngành CN-TTCN sẽ mang lợi thế cạnh tranh, huyện khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, các sản phẩm mới có hàm lượng khoa học và công nghệ cao.
Trong đó, huyện tập trung ưu tiên kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dự án, nhà máy sản xuất sản phẩm nguyên liệu dừa và công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nguyễn Thanh Vũ cho biết: Hiện tại, CCN Tân Thành Bình còn lại 5,58ha diện tích đất kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Huyện đang tiếp tục mời gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng CCN Tân Thành Bình, với quy mô 33ha. Sau khi CCN này được đầu tư lấp đầy, huyện tiến hành trình UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh cho chủ trương quy hoạch mở rộng 42ha để thực hiện theo định hướng mở rộng quy hoạch không quá 75ha (lấp đầy 100%) CCN Tân Thành Bình và quy hoạch xây dựng CCN Thanh Tân, CCN Hòa Lộc quy mô 50ha.
Trong thời gian qua, huyện quan tâm hỗ trợ DN trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 về công tác lưu thông, vận chuyển tập kết hàng hóa theo quy định. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra DN hoạt động sản xuất an toàn, giám sát phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Đồng thời, huyện lồng ghép công tác giám sát tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đối với các DN, hộ kinh doanh, giúp DN thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn trong sản xuất.
“Huyện sẽ ưu tiên ngành hàng may mặc, giày da, chế biến sản phẩm từ dừa, chế biến nông sản, thực phẩm..., ngành nghề thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, huyện tập trung mời gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà máy”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thanh Vũ cho biết thêm.