“Bêu tên” doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội
Nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là vấn đề “nóng” trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nhằm giảm nợ đọng BHXH, hạn chế tối đa việc trốn đóng BHXH trên địa bàn TP. Hà Nội, BHXH TP. Hà Nội đã và đang chỉ đạo quyết liệt bằng các biện pháp phù hợp trong thu hồi nợ đọng.
Hà Nội đi đầu công khai DN chây ỳ, nợ đọng BHXH
Tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ nợ đọng, BHXH TP. Hà Nội vừa công khai danh sách 500 DN có số nợ BHXH kéo dài từ 6 - 24 tháng với tổng số tiền hơn 322 tỷ đồng. Những DN này làm ảnh hưởng quyền lợi của hơn 16.000 người lao động, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Đứng đầu trong danh sách nợ BHXH là Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment (Mê Linh) nợ 16 tháng, với số tiền trên 18 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty cổ phần Cầu 12 Cienco 1 (Long biên) nợ 14 tháng (hơn 11 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 4 (Đống Đa) nợ 24 tháng (11 tỷ đồng)…
Bên cạnh những DN có số nợ lớn, cũng có những DN nợ vài trăm triệu đồng, nhưng thời gian nợ rất dài dẫn tới tình trạng nhiều người lao động không được hưởng chế độ trợ cấp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo BHXH TP. Hà Nội, trong năm 2018, đơn vị áp dụng nhiều biện pháp kéo giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT. Theo đó, trong tháng 1 và 2/2018, BHXH Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 284 DN nợ BHXH, BHYT. Trên cơ sở danh sách DN nợ này, BHXH Hà Nội chủ động báo cáo UBND Thành phố, phối hợp với các ngành liên quan tìm phương án giải quyết nợ đọng, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Trong năm 2017, theo thống kê, Hà Nội là Thành phố có số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn nhất cả nước. Tính đến hết tháng 5/2017, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn là 3.764 tỷ đồng; số tiền thu hồi nợ đọng đạt thấp (chiếm 9,01% kế hoạch thu), làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Nguyên nhân nợ BHXH là do nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không ít DN phải ngừng hoạt động, đơn phương chấm dứt giao dịch với cơ quan BHXH, mất khả năng thanh toán, chưa được tuyên bố phá sản, giải thể với số tiền, số tháng nợ BHXH, BHYT lớn. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan trong công tác nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; việc xử lý vi phạm còn đạt hiệu quả chưa cao...
Quyết liệt giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH
Theo lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội, sau một thời gian BHXH Thành phố phối hợp với các cấp các ngành vào cuộc mạnh mẽ, số tiền nợ BHXH, BHYT trên địa bàn tính đến hết tháng 10/2017 là 2.938,2 tỷ đồng, chiếm 8,8% kế hoạch thu nợ, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và quyền an sinh xã hội của người lao động Thủ đô, BHXH Thành phố sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng, đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường công bố danh sách các đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhiều, kéo dài, thực hiện công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Giải thích rõ hơn về những biện pháp này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, việc nêu tên các đơn vị còn nợ trách nhiệm tài chính theo quy định pháp luật đã không còn mới tại Việt Nam.
Trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH tại 63 tỉnh, thành rà soát, cập nhật và cung cấp danh sách các đơn vị có số nợ nhiều và kéo dài nhiều năm.
Đồng thời, triển khai hàng loạt các biện pháp quyết liệt như: Hàng quý gửi thông báo danh sách các DN nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên tới Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ.
Cơ quan BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ cho BHXH các tỉnh, thành phố, coi đây là chỉ tiêu xem xét thi đua hàng quý, năm; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo danh sách những đơn vị nợ bảo hiểm trên những phương tiện thông tin đại chúng...