Truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Đổi mới để nâng cao chất lượng
Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách nhằm bảo đảm tính công bằng và cũng là thước đo đánh giá trình độ phát triển của xã hội. Theo các chuyên gia, để việc thực thi các chính sách nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng, là cầu nối đưa các quy định của pháp luật đến với từng người dân, đi vào thực tiễn cuộc sống.
Phối hợp hiệu quả
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến đầu năm 2018, số người tham gia BHXH là 13,79 triệu, bảo hiểm thất nghiệp là 11,69 triệu, BHYT là 80,55 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ 85,9% dân số cả nước.
Đây là con số ấn tượng và cho thấy nỗ lực rất lớn của BHXH Việt Nam trong việc đưa những chính sách quan trọng này đi sâu vào thực tiễn đời sống và mang đến những lợi ích thiết thực cho người dân. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến kết quả này là sự phối kết hợp rất hiệu quả giữa BHXH Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam Dương Ngọc Ánh, chưa bao giờ các thông tin về BHXH, BHYT lại phong phú và đến gần với công chúng như thế. BHXH Việt Nam đang phối hợp hơn 70 cơ quan báo chí để tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến nhân dân. Đặc biệt, trong đó có vai trò của các cơ quan báo chí lớn có nội dung phối hợp truyền thông thường xuyên về các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đến học sinh, sinh viên...
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song so với mục tiêu của Bộ Chính trị là phấn đấu đến năm 2020 có 50% lao động tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia BHTN và mới nhất là Quyết định của Thủ tướng đặt mục tiêu đến 2020 đạt 90% dân số có BHYT, thì ngành BHXH vẫn còn tiếp tục phải nỗ lực.
Bên cạnh đó, về hiệu quả phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan báo chí, hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định. Các cơ quan báo chí tiếp cận, khai thác thông tin về BHXH, BHYT còn khá bị động, phụ thuộc vào nguồn thông tin từ cơ quan BHXH cung cấp, chưa có sự đào sâu từ thực tiễn với những câu chuyện điển hình tạo hiệu ứng lan tỏa.
Ngoài ra, việc tiếp cận, khai thác thông tin từ cơ quan BHXH với phóng viên còn gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương. Trong một số trường hợp, việc xử lý khủng hoảng truyền thông của cơ quan BHXH chưa chủ động kịp thời.
Truyền thông cần đi trước
Nhấn mạnh về vai trò của truyền thông, theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Văn Báu, truyền thông phải là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội; đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững BHXH, BHYT. Để làm được điều này, công tác truyền thông chính sách BHYT, BHXH cần có những đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay.
Theo các chuyên gia, truyền thông về các chính sách BHXH, BHYT hiện nay còn khô khan, khuôn mẫu, ít hấp dẫn, cần thử nghiệm và chấp nhận tư duy mới trong tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách một cách mềm dẻo, linh hoạt với phương châm “Người dân thích nghe, xem sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép các thông điệp truyền thông”. Nội dung thông tin cần đơn giản, dễ tiếp nhận, dễ chia sẻ và lan toả trên mạng xã hội…
Do vậy, để phát huy hiệu quả truyền thông BHXH, BHYT, cả cơ quan BHXH và cơ quan báo chí đều cần cố gắng, đa dạng hóa nguồn nội dung phù hợp với từng kênh, loại hình truyền thông. Quá trình phối hợp cần đi sâu về chất lượng nội dung, cơ quan BHXH phát huy vai trò định hướng để thông điệp BHXH, BHYT lan tỏa sâu rộng hơn đến cộng đồng, bảo đảm sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư cho công tác này.