Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội: Khó đạt mục tiêu?

Theo Lam Anh/daibieunhandan.vn

Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH), tại Phiên họp toàn thể sáng qua của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chính thức đề nghị Quốc hội (QH) xem xét việc sửa đổi, bổ sung đạo luật này. Một trong những lý do là, dù đã đạt được những kết quả nhất định về tăng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện nhưng không có nhiều đột phá, như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, nếu không có quyết tâm chính trị và cách làm mới thì không thể đạt được các mục tiêu mà Luật BHXH đặt ra.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: P. Thúy
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: P. Thúy

Chưa có đột phá

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, sau 2 năm triển khai thi hành Luật BHXH, Chính phủ, các bộ, ngành đã chủ động xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành tương đối đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động… Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền hướng xử lý các vướng mắc liên quan đến các quy định mới của Luật BHXH năm 2014 như hướng dẫn thực hiện chính sách BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1/1/2018. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành đóng BHXH với số lượng các cuộc thanh tra nhiều hơn, phát hiện nhiều trường hợp trốn đóng, nợ đóng BHXH… góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, còn nhiều hạn chế trong công tác triển khai thi hành chính sách, pháp luật về BHXH. Cụ thể là, đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tốc độ tăng không có nhiều đột phá, chỉ đạt từ 5 - 6% mỗi năm nên khó có khả năng đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ rõ là do tình trạng trốn đóng BHXH vẫn diễn ra phổ biến nhưng các giải pháp khắc phục chưa đạt hiệu quả hữu hiệu. Đặc biệt là việc khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH chưa có chuyển biến. Số người hưởng BHXH một lần kể từ sau khi QH sửa đổi Điều 60 Luật BHXH năm 2014 tiếp tục tăng cao.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tuy có giảm so với những năm qua nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Lý do là bởi sự thiếu ý thức và trách nhiệm xã hội của một số chủ doanh nghiệp, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt mà không quan tâm đến quyền lợi của người lao động; không tuân thủ pháp luật.

Nhiều thách thức mở rộng diện bao phủ BHXH

Cơ bản đồng tình với những đánh giá thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho rằng, chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện chưa đủ sức hấp dẫn, không khiến người lao động mặn mà còn là bởi sự lúng túng trong quá trình triển khai thi hành luật.

Tại sao nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH còn hạn chế? Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện nhưng kết quả có khoảng 70% số người được hỏi chưa biết đến chính sách này.

Vậy thì chúng ta đã tuyên truyền đúng mức cho người dân hiểu hay chưa? Đặt câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng nêu rõ, tuy hình thức, phương pháp tuyên truyền có đổi mới bằng việc tăng cường đối thoại chính sách nhưng còn dàn trải, chưa có những chuyên đề tuyên truyền riêng và ưu tiên tiếp cận đối với những lao động tiềm năng như người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 đến dưới 3 tháng.

Cùng với đó theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, một số chính sách mới phải áp dụng từ ngày 1/1/2018 nhưng đến thời điểm này cũng chưa được hướng dẫn kịp thời. Chính điều này đã gây lúng túng trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.

Đơn cử như chính sách xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài mà thực chất là không có khả năng trả nợ của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc người sử dụng lao động bỏ trốn. Vấn đề này đã được Luật BHXH năm 2014 quy định tại Khoản 7, Điều 10 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.

Các bộ, cơ quan liên quan vẫn đang loay hoay với việc lấy kinh phí từ đâu để xử lý, thẩm quyền quyết định thuộc về cơ quan nào. Hay những bế tắc ở thủ tục tư pháp khiến cho việc khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH hết sức khó khăn đã được chỉ ra từ lâu nhưng đến nay, các cơ quan hữu quan vẫn chưa tháo gỡ được.

Đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH, dù được hưởng mức lương bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nhưng đúng là “cũng chưa lăn xả vào việc”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nếu không có quyết tâm chính trị rất cao và không có cách làm mới thì mục tiêu mở rộng diện bao phủ của BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện đối với người lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và phi chính thức là cực kỳ khó khăn.

Nhấn mạnh BHXH là một trong hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kiến nghị QH xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHXH 2014 để cụ thể hóa các định hướng cải cách chính sách BHXH mở rộng diện bao phủ tiến tới BHXH (hưu trí) toàn dân, thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng BHXH… Tuy nhiên, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHXH cần hết sức thận trọng.

Bởi lẽ, đạo luật này mới chỉ có hiệu lực thi hành được hai năm, đặc biệt là có những chính sách mới của Luật vừa mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, tức là chưa được 4 tháng. Vậy thì sửa đổi cái gì? Chúng ta đã tổng kết, đánh giá được thực tế những vướng mắc, bất hợp lý trong thực tiễn là do luật hay do thực thi luật hay chưa?

Các cơ quan đang nghiên cứu, tham mưu và chuẩn bị Đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua nghị quyết về cải cách chính sách BHXH và chính sách tiền lương. Vì thế, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, các đề xuất sửa đổi (nếu có) nên chờ đến khi Trung ương ban hành Nghị quyết để có thể kịp thời thể chế hóa các quan điểm mới của Đảng về vấn đề này.

Trong lúc đó, QH cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, đặc biệt là đối với công tác phát triển đối tượng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động… và công tác chỉ đạo, điều hành ở các địa phương để chính sách, pháp luật về BHXH thực sự đi vào cuộc sống.