BHXH TP. Hà Nội quyết liệt giảm nợ BHXH
Tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn còn cao là vấn đề đáng quan tâm. Do vậy, trong năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BHXH Thành phố là phải tập trung ưu tiên cho công tác đôn đốc thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT.
Nợ BHXH bằng 9,4% số phải thu
Theo BHXH Hà Nội, tính đến tháng 4/2017, Thành phố hiện có 56.248 đơn vị với hơn 1,4 triệu lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hết tháng 3/2017, BHXH Thành phố thu được hơn 6.953 tỉ đồng, bằng 20,9% kế hoạch; diện bao phủ BHYT bằng 82,1% dân số...
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn vẫn ở mức cao, với 39.140 đơn vị, DN đang còn nợ tới 3.166 tỷ đồng (bằng 9,4% số phải thu). Đặc biệt, có 1.059 đơn vị nợ BHXH trên 36 tháng với hơn 840 tỷ đồng.
Đáng nói, nhiều đơn vị sử dụng lao động cố tình chây ỳ nợ đọng kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động. Mặc dù thanh tra, kiểm tra nhiều lần, nhưng không ít đơn vị vẫn không trích đóng đầy đủ. Trong khi đó, công tác khởi kiện DN nợ đang gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến hiệu quả thu hồi nợ thấp.
Tình trạng nợ vẫn tiếp diễn do nhận thức của nhiều chủ sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước, dẫn đến việc luôn có ý định tìm cách trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa đủ mạnh, khiến nhiều chủ sử dụng lao động sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để tiếp tục chiếm dụng tiền BHXH...
Ngày 18/4 tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc phụ trách BHXH Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong thời gian qua BHXH Hà Nội đã thực hiện bàn giao 129 đơn vị với tổng số tiền nợ là 142,9 tỷ đồng sang tổ chức Công đoàn để tiến hành khởi kiện, đến nay tổ chức Công đoàn đã nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị với số tiền 39,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, ngay từ những tháng đầu năm, BHXH Hà Nội đã tổ chức triển khai công tác thu, chi, giải quyết chế độ chính sách, kiểm tra, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, công tác giám định BHYT, thực hiện Luật BHXH, BHYT và các văn bản hướng dẫn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
BHXH Hà Nội đã chủ động phối hợp với Cục Thuế Hà Nội cập nhật danh sách các DN có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, làm cơ sở để mở rộng đối tượng tham gia. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 55.747 đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, trong đó, doanh nghiệp 48.637 đơn vị, chiếm khoảng gần 50% số doanh nghiệp trên địa bàn với 1.447.572 lao động tham gia BHXH, BHYT.
Đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là 670.048 người, tăng 49,2% so cùng kỳ năm 2016; tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn là 82,3% (tỷ lệ cả nước 82%).
BHXH Hà Nội cũng kịp thời giải quyết chế độ BHXH cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng: Số người hưởng BHXH hàng tháng là 3.591 người, hưởng trợ cấp 1 lần là 13.259 người; Hưởng trợ cấp BH thất nghiệp là 37.519 lượt.
Thực hiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 162 cơ sở y tế trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, đồng thời tăng cường kiểm soát chi phí và chống hiện tượng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Tổng chi phí khám chữa bệnh 3 tháng đầu năm ước tình trên 1.200 tỷ đồng với trên 2 triệu lượt khám chữa bệnh.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng, Phó Giám đốc phụ trách BHXH Hà Nội cho biết, đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ tháng đầu năm, tập trung kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT cho người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.
Trong quý I/2017, thực hiện tổng số 72 cuộc thanh, kiểm tra, số tiền nợ trước khi đi thanh tra, kiểm tra là 96,4 tỷ đồng. Kết quả sau thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 7,5 tỷ đồng tiền nợ BHXH. Trực tiếp xuống đơn vị đôn đốc thu tại 4.882 đơn vị, sau đôn đốc bước đầu thu hồi được 46,4 tỷ đồng tiền nợ BHXH.
Về công tác khởi kiện: Thực hiện bàn giao 129 đơn vị với tổng số tiền nợ 142,9 tỷ đồng sang tổ chức công đoàn để tiến hành khởi kiện, đến nay tổ chức công đoàn đã nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị với số tiền nợ 39,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hòa cũng cho biết, BHXH Thành phố đã triển khai rất quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng, tuy nhiên, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn vẫn còn cao.
Cụ thể, tính đến hết tháng 3/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên toàn thành phố trên 3.166 tỷ đồng (với 39.140 đơn vị nợ), chiếm 9,5% kế hoạch thu, giảm 0,8% so cùng kỳ.
Tăng cường thanh tra, chú trọng cải cách hành chính
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT năm 2017 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, BHXH Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, thực hiện đôn đốc, thu nợ đối với các đơn vị trên địa bàn ngay khi phát sinh nợ từ tháng thứ 2. Công khai các đơn vị nợ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT trên Cổng thông tin điện tử BHXH Hà Nội.
BHXH Hà Nội tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để cập nhật thông tin, giúp cho việc khai thác DN mới đăng ký tham gia BHXH; đối chiếu, xác định danh tính và tình trạng hoạt động của DN và số lao động trong mỗi DN để yêu cầu DN thực hiện đúng trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, đại lý thu để tuyên truyền cũng như xác định tình trạng hoạt động của các DN trên địa bàn.
Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, với nhiều hình thức đa dạng để người lao động, nhân dân thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.
Đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp tuyên truyền, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động; chú trọng đồng hành cùng DN, coi DN là khách hàng để phục vụ; chú trọng cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và giải quyết chế độ chính sách...