BHXH Việt Nam: Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Trong thách thức của dịch bệnh Covid-19, với sự chủ động, kịp thời, ngành bảo hiểm xã hội đã chung sức củng cố sức khoẻ cho hàng ngàn người lao động thất nghiệp, giảm thiểu áp lực kinh tế đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.
Đây là chia sẻ của ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tại Hội nghị thông tin định kỳ về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH trong 5 tháng năm 2020, ngày 9/6.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam thông tin tình hình thực hiện chính sách BHXH 5 tháng năm 2020 |
Theo ông Đào Việt Ánh, trong 5 tháng qua, trước sự bùng phát, tác động của đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); kịp thời ban hành trên 25 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan kịp thời hỗ trợ người dân và DN tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh.
Cụ thể, ngành BHXH đã nhanh chóng triển khai thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4,5 trong cùng một kỳ chi trả cho người hưởng qua thẻ ATM, trực tiếp tại nhà; kịp thời chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra; thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT để đảm bảo hoạt động KCB BHYT, đặc biệt là các cơ sở KCB có người bệnh bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến ngày 31/5/2020 có 53 BHXH tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của đơn vị, doanh nghiệp; theo đó: Tổng số đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng là 1.171 đơn vị, tương ứng với 107.327 lao động và số tiền ước khoảng 396 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia cũng được ngành BHXH thực hiện đầy đủ, kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh.
Thống kê cho biết, hiện toàn ngành BHXH đang thực hiện chi trả cho hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Uớc đến ngày 3/6/2020, toàn ngành đã giải quyết: hưởng mới các chế độ BHXH hàng tháng (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) cho khoảng 50.297 người; giải quyết hưởng mới các chế độ BHXH một lần, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần, tuất một lần cho khoảng 353.616 người với số tiền chi trả là 13.154,7 tỷ đồng; giải quyết chế độ ốm đau cho khoảng 2.992.172 lượt người với số tiền chi trả là 1.413,3 tỷ đồng; thai sản cho khoảng 743.310 lượt người với số tiền chi trả là 9.591,5 tỷ đồng dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho khoảng 162.132 lượt người với số tiền chi trả 417,8 tỷ đồng; chi trả cho 558.418 người hưởng các chế độ BHTN (trong đó hưởng mới là 298.833 người) với số tiền chi trả là 5.009 tỷ đồng.
Đại diện các Ban ngành BHXH Việt Nam giải đáp các vấn đề được dư luận quan tâm |
Trong thời điểm hiện tại, trước tình hình dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, bước vào giai đoạn bình thường mới, ông Đào Việt Ánh cho biết, BHXH Việt Nam đã có chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đã đặt ra cho năm 2020; đồng thời, tiếp tục ưu tiên cho việc bố trí kinh phí để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong tháng 6/2020, BHXH Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm, đó là: Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Chính phủ về BHXH; Nghị quyết số 02/NQ-CP về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
“BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2020; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT”- ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Ước đến ngày 4/6/2020, số tiền chi KCB BHYT được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định BHYT là khoảng 38.005.146 triệu đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), với tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 38%.