Bí quyết quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất thế giới
(Tài chính) Thụy Điển đang trên đà trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp nhất thế giới với mục tiêu giảm tỷ lệ này xuống 0%. Bí quyết của Thụy Điển nằm ở phương án cải thiện hệ thống đường sá để các tuyến đường trở nên an toàn hơn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Đây là nỗ lực phi thường của Chính phủ Thụy Điển, kể từ khi tỷ lệ tai nạn giao thông gây chết người ở Thụy Điển tăng cao đỉnh điểm vào những năm 1970. Năm 1997, Quốc hội Thụy Điển đã ban hành kế hoạch an toàn giao thông mang tên Tầm nhìn về không (Vision Zero), với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các ca tử vong và chấn thương nặng do tai nạn giao thông gây ra.
Nguyên tắc cốt lõi của Tầm nhìn về không là Sinh mạng và sức khỏe không bao giờ được phép đánh đổi vì các lợi ích khác trong xã hội. Ý tưởng chính của Tầm nhìn về không là tiếp tục cải thiện hệ thống đường sá để các tuyến đường trở nên an toàn hơn. Sau khi thực hiện kế hoạch Tầm nhìn về không, số thương vong giao thông đã giảm một nửa kể từ năm 2000. Năm 2012, chỉ có duy nhất trường hợp một trẻ em dưới 7 tuổi thiệt mạng do tai nạn giao thông gây ra, giảm rõ rệt so với 58 trường hợp năm 1970.
Tờ Economist trích dẫn các số liệu được công bố đầu năm nay cho biết, số lượng xe ô tô lưu thông trên đường và khoảng cách lái xe ở Thụy Điển đã tăng gấp đôi kể từ những năm 70, nhưng chỉ có 264 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở nước này vào năm ngoái, mức thấp kỷ lục. Thống kê này cho biết, trong 100.000 người thì chỉ xảy ra 3 ca tử vong, trong khi tại khu vực Liên minh châu Âu thì tỷ lệ này là 5,5 ca và tại Mỹ là 11,4 ca.
Theo một chiến lược gia về an toàn giao thông của Chính phủ Thụy Điển Matts-Ake Belin, Thụy Điển chú trọng vào vấn đề kỹ thuật đường sá hơn là thực thi pháp luật. Khi xây dựng đường sá, các nhà thầu ở Thụy Điển đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, trước các tiêu chí về tốc độ và sự tiện lợi.
Đường sá ở Thụy Điển có thiết kế “2+1”, gồm 2 làn đường cùng chiều và một làn đường ngược chiều. Làn đường phụ dành cho các phương tiện muốn vượt lên một cách an toàn. Thiết kế đường sá này đã giúp Thụy Điển giảm được khoảng 145 ca tai nạn giao thông gây chết người trong 10 năm đầu tiên triển khai kế hoạch Tầm nhìn về không, theo Economist.
Thụy Điển đã thi công 12.600 đoạn giao cắt an toàn, trong đó có cả cầu vượt dành cho người đi bộ và đường sọc vằn, được bao quanh bởi đèn nhấp nháy cảnh báo va chạm. Ước tính, cách làm này đã giúp Thụy Điển giảm một nửa số ca tử vong do tai nạn giai thông gây ra cho người đi bộ trong vòng 5 năm qua.
Thụy Điển còn quan tâm tới phát triển công nghệ về an toàn giao thông. Ví dụ, nước này đã phát minh ra dây đeo an toàn 3 điểm cho người điều khiển ô tô, có tác dụng giảm thiểu rủi ro cho người lái xe trong trường hợp xảy ra tai nạn; hay việc đưa vào sử dụng các hệ thống cảnh báo an toàn mới như cảnh báo khi chủ phương tiện tăng tốc hoặc nới lỏng dây an toàn… Nhiều chuyên gia về an toàn giao thông còn đang hướng đến giải pháp sử dụng các phương tiện không người lái, nhằm giảm số vụ tai nạn xuống mức tối thiểu. Điều này không còn xa vời khi hãng sản xuất ô tô Volvo lên kế hoạch hợp tác với Bộ Giao thông Vận tải Thụy Điển nhằm tổ chức thí điểm sử dụng xe không người lái ở Gothenburg vào năm 2017.
Ngoài ra, luật giao thông ở Thụy Điển hết sức nghiêm ngặt, với quy định cấm lái xe khi sử dụng rượu bia, giúp giảm 0,25% tỷ lệ chủ phương tiện lái xe dưới ảnh hưởng của đồ uống chứa cồn. Bên cạnh đó, Thụy Điển đặc biệt chú trọng tới giáo dục trẻ em về ý thức an toàn giao thông từ rất sớm. Luật giao thông ở Thụy Điển quy định rất chặt chẽ về việc người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, người đi xe đạp tự giác đi đúng làn đường dành riêng cho xe đạp. Chính phủ Thụy Điển còn giảm giới hạn tốc độ đối với các phương tiện lưu thông trong nội thành và các khu vực dân cư đông đúc.
Trước kết quả đáng kinh ngạc của Thụy Điển trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông, nhiều nơi khác trên thế giới đã và đang nghiên cứu mô hình của nước này để làm theo, trong đó phải kể đến các thành phố ở New Zealand, Australia, Đức, Mỹ, Canada… Đơn cử thành phố New York, Mỹ, đã áp dụng kế hoạch Tầm nhìn về không của Thụy Điển, bao gồm việc triển khai các vùng lái xe tốc độ chậm và tăng cường cảnh sát giám sát việc tuân thủ hạn chế tốc độ. Kết quả là, người đi bộ khi sang đường ở New York được bảo đảm an toàn hơn so với trước rất nhiều. Theo số liệu thống kê, năm ngoái chỉ có 131 trường hợp người đi bộ sang đường thiệt mạng do tai nạn giao thông và đây là mức thấp kỷ lục.