Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo phương án 3 tại chỗ
Để đảm bảo vừa sản xuất an toàn, vừa phòng chống, chống dịch bệnh hiệu quả, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất theo phương án 3 tại chỗ (ăn, ngủ, sản xuất).
Sau thời gian bị phong tỏa vì liên quan đến một ca F1 COVID-19 trong công nhân ở trọ, Công ty TNHH Jia Hua, phường Thuận Giao, TP. Thuận An (chuyên sản xuất mặt giày xuất khẩu) đã trở lại ổn định sản xuất an toàn. Ban Giám đốc công ty cảm ơn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Thuận An, Sở Y tế tỉnh Bình Dương và các ngành đã hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ công ty tổ chức test nhanh cho 181 người là chuyên gia, công nhân lao động của công ty. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP. Thuận An yêu cầu công ty thành lập các Tổ an toàn COVID-19 cộng đồng, xây dựng thực hiện phương án triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện biện pháp “3 tại chỗ” (ăn - ngủ - sản xuất) trong công ty nhằm bảo đảm sức khỏe người lao động và sản xuất an toàn.
Ông Nguyễn Hùng, cán bộ Ban Quản lý Cụm công nghiệp Phú Chánh cho biết, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Ban Quản lý đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, các ban, ngành, đề nghị các doanh nghiệp (DN) thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách, hạn chế tối đa việc lây nhiễm từ ngoài vào. Tại các DN có ca nhiễm COVID-19 được phát hiện hiện đang nỗ lực thực hiện đúng quy trình hướng dẫn, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhiều mô hình 3 tại chỗ được thực hiện rất tốt.
Trong những ngày qua, Đoàn công tác Sở Công thương phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K và 3 tại chỗ của Bộ Y tế, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó với các mức độ diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Trong đó ưu tiên công tác chống dịch, duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất công nghiệp, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất có quy mô lớn. Qua đánh giá, để bảo đảm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, an toàn cho công nhân và cộng đồng, ổn định sản xuất, các công ty, nhà máy đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả theo đúng quy định của Trung ương và của tỉnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, sau khi kiểm tra hoạt động sản xuất và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các DN, các đơn vị đã nỗ lực và chủ động triển khai tốt các biện pháp, đặc biệt là đối với các DN lớn, DN tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp. Việc đẩy mạnh triển khai, cập nhật thông tin đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trên hệ thống “Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19” đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp… được thực hiện rất tốt. Nhiều mô hình 3 tại chỗ phù hợp với thực tế, sáng tạo trong cách làm, cần nhân rộng.
Đối với các DN thực hiện chưa tốt, còn nhiều thiếu sót, Sở Công thương hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Đưa ra những kinh nghiệm thực tế từ các DN thực hiện tốt, hướng dẫn phương án 3 tại chỗ trên cơ sở thực tế của từng DN. Đồng thời, kiên quyết đề xuất tạm dừng hoạt động đối với những DN, cơ sở sản xuất không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 theo quy định; hoặc có thực hiện nhưng đánh giá ở mức không bảo đảm an toàn, không cập nhật thông tin về đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sau khi được cấp tài khoản trên hệ thống “Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19”.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã ghi nhận những nỗ lực của DN trong điều kiện hiện nay nhưng đã có những chính sách chăm lo tốt đời sống sinh hoạt, điều kiện ăn ở của công nhân lao động, thể hiện trách nhiệm của DN đối với người lao động rất cao. Trong giai đoạn hết sức khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương mong muốn công nhân chung sức, đồng hành cùng DN ở lại nhà máy để làm việc, cho dù điều kiện không thể đầy đủ hơn ở nhà.
“Đây là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc góp phần thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo công tác phòng, chống dịch và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn phía DN, tổ chức công đoàn cần tiếp tục bám sát, gần gũi công nhân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời để công nhân luôn an tâm làm việc, cùng DN và tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh”, đồng chí Nguyễn Văn Lợi khẳng định.
Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Bình Dương cho biết, đến cuối ngày 18/7, Bình Dương có 615 doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh đăng ký cho công nhân lao động ở lại nhà máy làm việc trong thời gian giãn cách xã hội. Trong số này có 587 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” và 28 doanh nghiệp thực hiện phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”. Các doanh nghiệp này đáp ứng chỗ ở cho 90.365 lao động ở lại nhà máy làm việc.