Bình Dương: Thương mại - dịch vụ giữ đà tăng trưởng
Dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Bình Dương ước đạt 231.578 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Giá cả hầu hết các nhóm hàng cơ bản ổn định, ước chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 2,64%.
Hiện nay nhiều hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ tại Bình Dương đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trước đó, ngành công thương đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tất cả những nỗ lực của ngành đã bảo đảm đủ số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá.
Trong dịch bệnh, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và 13 doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn thị trường (BOTT) triển khai nhiều giải pháp cung ứng hàng hóa kịp thời cho người dân, nhất là tại các khu cách ly, phong tỏa. Các đơn vị đã tăng lượng hàng cung ứng từ 130 - 150% tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện hữu. 100% DN triển khai bán hàng trực tuyến phục vụ người dân, nhất là tại khu vực cách ly, phong tỏa. Sở Công thương đã làm tốt vai trò đầu mối để cấp gạo, thực phẩm cho các địa phương thực hiện “khóa chặt, đông cứng” trên địa bàn.
Nhiều mô hình hay trong dịch bệnh được triển khai nhằm chia sẻ những khó khăn của người dân, khắc phục tình trạng sốt giá cục bộ tại một số địa phương do công tác vận chuyển hạn chế. Một số địa phương như TP.Dĩ An, TP.Thuận An và huyện Bàu Bàng tiếp tục vận động các cá nhân, đơn vị tại địa phương tổ chức thêm các điểm bán hàng lưu động, “bán hàng 0 đồng”, “đi chợ thay” cho người dân và các khu cách ly. UBND TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng triển khai mô hình “Chợ ngoài trời” tại các phường Mỹ Phước, Chánh Phú Hòa và Hòa Lợi, xã Cây Trường II… Sở Công thương thành lập 15 tổ kiểm tra tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các cửa hàng phân phối, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, rất kịp thời, Sở Công thương xây dựng và triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động của hệ thống thương mại. Trên địa bàn tỉnh hiện có 64/97 chợ truyền thống, 11/11 siêu thị, 221/221 cửa hàng tiện lợi hoạt động. Hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và DN thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, hầu hết các địa điểm kinh doanh trong hệ thống phân phối hàng hóa đã triển khai quét mã QR đối với người dân đến mua sắm thông qua ứng dụng Bluezone/ PC-COVID. Sở Công thương đã tổng hợp danh sách siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ vận hành Bản đồ COVID-19 tỉnh.
Trong năm 2022, Sở Công thương triển khai tốt Chương trình BOTT các mặt hàng thiết yếu và sách, tập vở, dụng cụ học sinh. Theo dõi diễn biến thị trường, tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Tăng cường công tác dự báo diễn biến thị trường, giá cả, cung cấp thông tin, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời. Chú trọng công tác phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics. Cùng với đó, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng vệ, gian lận thương mại, phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh.