Bình Thuận đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh trên 4.857 tỷ đồng, giải ngân đến cuối tháng 5/2022 là 1.623,911 tỷ đồng, đạt 33,43% kế hoạch Chính phủ giao đầu năm 2022, tăng 12,49% so cùng kỳ năm 2021.
Ước giải ngân đến ngày 30/6 đạt khoảng 45,09% kế hoạch. Cụ thể, có 9 chủ đầu tư giải ngân trên 50% kế hoạch vốn; 12 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 20% - 45%; 6 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% và có 6 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Về tình hình thực hiện, giải ngân các công trình trọng điểm của tỉnh, có 9 công trình với tổng kế hoạch vốn năm 2022 là 576 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 31/5 là 106 tỷ đồng, đạt 18,45% kế hoạch, ước giải ngân đến ngày 30/6/2022 đạt 25% kế hoạch.
Trong đó, đối với các dự án đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư như Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, do điều chỉnh quy mô sân bay nên phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư năm 2020.
Dự án Kè sông bờ tả Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), hiện nay UBND TP. Phan Thiết đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ 3 phường Phú Trinh, Phú Thủy, Thanh Hải; hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực dọc hai bên sông Cà Ty làm cơ sở trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo ý kiến góp ý của các sở, ngành…
Trong đó, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công bị chậm chủ yếu là do một số dự án còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số dự án chậm tiến độ do phát sinh một số nội dung, hạng mục phải điều chỉnh, bổ sung dự án đầu tư; chưa được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện…
Mới đây, trong cuộc họp bàn về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, phấn đấu đến tháng 9 phải giải ngân 60% vốn đã phân khai.
Để đạt mục tiêu này, các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư cần rà soát công việc, xây dựng kế hoạch giải ngân vốn. Trong đó lưu ý có cam kết giải ngân hết vốn đã phân khai. Đối với các dự án chậm triển khai hoặc có nhiều khó khăn, cần cân nhắc tính toán để kịp thời đề xuất điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh.
Đối với các công trình khởi công mới, cần khẩn trương triển khai các thủ tục, chậm nhất đến hết quý III/2022 phải xong thủ tục để triển khai thi công. Các chủ đầu tư cần chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng…