Giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021 và những vấn đề đặt ra


Đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đ. tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công nói chung, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài nói riêng. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các chủ dự án, cũng như Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các chủ dự án, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021 đến nay còn thấp và khó đạt mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, để cải thiện tình trạng giải ngân vốn vay nước ngoài, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương và các chủ dự án cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tranh thủ tối đa thời điểm không gi.n cách x. hội để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bối cảnh và kế hoạch giao giải ngân vốn vay nước ngoài

Bối cảnh trong nước

Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vayưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có vị trí quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho đầu tư công hạn hẹp. Thực tế cho thấy, vốn ODA đã khẳng định rõ vai trò “vốn mồi” trong đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội của nước ta.

Giai đoạn 2021-2025, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, vừa tập trung vào phát triển kinh tế-xã hội. 2021 là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, cũng là năm đầu của giai đoạn trung hạn 2021-2025, cho nên sẽ phần nào ảnh hưởng và quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu chung của cả giai đoạn.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch, mục tiêu đã đề ra, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như:

Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021 và những vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, nhất là các địa phương. Các dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi cũng chịu nhiều tác động bởi đại dịch COVID-19.

Nhận diện những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến kinh tế-xã hội, bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp như:

Thành lập các tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn; giao cán bộ, lãnh đạo chuyên trách trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân; ban hành các công điện, chỉ thị chỉ đạo các đơn vị tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; định kỳ tổ chức rà soát, kiểm tra các dự án chậm tiến độ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, có chế tài đối với các đơn vị, dự án giải ngân chậm.

Về phía Bộ Tài chính cũng đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài như:

(i) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đôn đốc nhập số liệu vào Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), làm cơ sở để giải ngân thông qua các lượt văn bản đôn đốc gửi tới các cơ quan chủ quản từ tháng 01/2021;

(ii) Ghi nhận, tổng hợp tình hình giải ngân, các vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài thông qua tổ chức các hội nghị giải ngân với các bộ, ngành, địa phương, làm việc trực tiếp, trực tuyến và trao đổi với các chủ dự án của 13 bộ ngành và 49 địa phương (trừ các địa phương bị giãn cách), kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân và những vướng mắc để có giải pháp tháo gõ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền;

(iii) Đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như: Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, trong đó có quy định tháo gỡ về trị giá tài sản thế chấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập vay lại và giảm tỷ lệ vay lại của một số địa phương khó khăn về cân đối ngân sách địa phương; Tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng đơn giản hóa các thủ tục điều chỉnh dự án;

(iv) Chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện công tác kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn (trong 1 ngày đối với các trường hợp kiểm soát sau, và tối đa là 3 ngày đối với hồ sơ kiểm soát trước) nếu đầy đủ hồ sơ, không để tồn đọng hồ sơ kiểm soát chi và hồ sơ rút vốn mà không có lý do; các đơn rút vốn không đúng quy định sẽ được gửi lại ngay cho chủ dự án để xử lý theo quy định.

(v) Ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 48/2021TT-BTC ngày 28/6/2021 về hướng dẫn biểu mẫu báo cáo giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Kế hoạch giao vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021

Bám sát kế hoạch giao vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021 trên cơ sở các văn bản đã được ban hành như: Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2021, trong đó kế hoạch đối với vốn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng.

Hay như tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, địa phương kế hoạch vốn đầu tư nguồn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng; trong đó: Kế hoạch vốn đầu tư nguồn nước ngoài của bộ, ngành là 16.636,756 tỷ đồng; Kế hoạch vốn đầu tư nguồn nước ngoài của địa phương là 34.913,244 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm 2021, căn cứ Quyết định 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án để làm cơ sở thực hiện, kiểm soát chi và giải ngân theo quy định của Hiến pháp và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Theo thống kê, đến hết tháng 8/2021, các bộ, ngành và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án theo quy định là 46.093,392 tỷ đồng, chiếm89,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; đã nhập Hệ thống TABMIS là 45.198,293 tỷ đồng (bộ, ngành là 13.077,328 tỷ đồng; địa phương là 32.120,965 tỷ đồng), chiếm 87,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tình hình giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài năm 2021

Thực tế triển khai giải ngân vốn nước ngoài thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu. Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/8/2021, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài thực hiện đạt 8,93% kế hoạch vốn được giao (4.604 tỷ đồng), trong đó các bộ, ngành đạt 12,74% (2.120 tỷ đồng); các địa phương đạt 7,11% (2.484 tỷ đồng) dự toán vốn cấp phát được giao.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài ước đạt 12,67% kế hoạch vốn được giao (6.531 tỷ đồng), trong đó các bộ, ngành đạt 18,10% (3.011 tỷ đồng); các địa phương đạt 10,08% (3.520 tỷ đồng) dự toán vốn cấp phát được giao (Bảng).

Theo thống kê, đến hết tháng 8/2021, trong tổng số 13 bộ, ngành và 63 địa phương được giao dự toán vốn đầu tư công nguồn nước ngoài thì có đến 8 bộ với trị giá kế hoạch được giao là 4.315 tỷ đồng (gồm các bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương, Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và 14 địa phương với trị giá kế hoạch được giao là 2.095 tỷ đồng (gồm: Điện Biên, Lai Châu, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang và Trà Vinh) chưa giải ngân.

Về tiến độ giải ngân của các bộ, ngành, theo thống kê của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2021, không có bộ, ngành nào đạt tỷ lệ giải ngân trên 40%. Chỉ có 02 bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân trên 20% so với kế hoạch vốn được giao là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,11%), Bộ Giao thông Vận tải (23,06%).

Về tiến độ giải ngân của các địa phương, lũy kế đến 31/8/2021, chỉ có 02 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 40% kế hoạch, đó là tỉnh Hưng Yên (70,5%) và Kiên Giang (41,7%); 03 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 20% kế hoạch, đó là Bình Dương (38,35%), Cao Bằng (31,71%), Bình Định (22,38%). Có đến 3/13 bộ, cơ quan có tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Về phía các địa phương, có 44/63 có giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, trong đó có 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, với số dự toán chưa giải ngân là 18.460 tỷ đồng (nguồn ngân sách trung ương bổ sung cho địa phương).

Kết quả giải ngân vốn vay nước ngoài thời gian qua cho thấy, nếu như tại thời điểm cuối tháng 6/2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài đạt 5,6% kế hoạch vốn chung toàn quốc (2.914 tỷ đồng), trong đó tỷ lệ của các bộ, ngành đạt 10,2%, các địa phương đạt 3,5%, thì đến tháng 8/2021, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp, các ngành, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương đã khả quan hơn, đạt tỷ lệ giải ngân là 12,7% dự toán.

Cụ thể: Các bộ, ngành đạt tỷ lệ 18,1% dự toán; các địa phương đạt tỷ lệ 10,1% dự toán vốn được giao. Nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp. So với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài trong 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 8,93%, thấp hơn kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2020 (khoảng 21,26% kế hoạch).

Có thể khẳng định tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2021 là không đạt kế hoạch đề ra. Trong thời gian còn lại của năm 2021, việc hoàn thành trên 95% kế hoạch được giao gần như là không khả thi, có thể phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã được giao.

Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài

Nguyên nhân giải ngân chậm vốn đầu tư công nói chung và vốn vay nước ngoài nói riêng đã được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan phân tích, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền hàng tháng, chủ yếu là do vướng mắc trong các khâu phân bổ/giao kế hoạch chi tiết vốn; hoàn thành thủ tục đầu tư; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án...

Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn nước ngoài chậm còn do các nguyên nhân sau:

- Nguyên nhân khách quan: Phản ánh của nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.  Cụ thể là: (i) Toàn bộ các dự án đầu tư nói chung, dự án ODA nói riêng thực hiện trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam ở trong tình trạng hầu như không thể thực hiện được từ cuối tháng 4/2021 đến nay.

Một số dự án không ở địa bàn 19 tỉnh phía Nam mà ở các địa bàn khác rải rác trong cả nước thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg cũng bị gián đoạn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, công tác chuyên chở nguyên vật liệu gặp rất nhiều khó khăn.

(ii) Một số dự án tuy không thực hiện ở địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhà thầu, tư vấn, chủ đầu tư… lại ở địa bàn vùng dịch, giãn cách nên việc ký duyệt các hồ sơ, xác nhận khối lượng công việc giữa các bên gặp nhiều trở ngại.

(iii) Hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài như nhập máy móc, thiết bị, hàng hóa cho thi công, huy động chuyên gia (công tác cấp Giấy phép lao động cho các chuyên gia dự án ODA, thời gian thu xếp thủ tục, chuyến bay cho chuyên gia, tư vấn nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thường kéo dài trên 02 tháng). Nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn xây dựng thiết kế kỹ thuật (sau khi nhập cảnh phải thực hiện giãn cách, cách ly theo quy định).

Mặt khác, giá cả một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu (đặc biệt là giá thép) trên thị trường biến động mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai dự án ODA, vay ưu đãi theo tiến độ.

- Nguyên nhân xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân và nằm ở nhiều giai đoạn của quá trình chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án ODA, vay ưu đãi:

(i) Một số dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư để ký hiệp định vay, nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán, sẽ phải hủy dự toán. Bên cạnh đó, một số dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2021 nhưng chưa được duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn.

(ii) Một số dự án đã được bố trí vốn nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng.

(iii) Một số dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như: Gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, điều chỉnh tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục đã được quy định tại hiệp định vay.

Giải pháp nhằm thúc đầy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài

Với quyết tâm cả nước hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP, Công điện số 1082/CĐ-TTg và kết quả triển khai trên thực tiễn, thời gian tới, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 1082/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, rà soát, hoàn thiện về thể chế chính sách cả về luật, nghị định. Thời gian vừa qua, chính sách về huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã cơ bản được hoàn thiện.

Nhiều văn bản quan trọng được ban hành, sửa đổi như: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật NSNN (sửa đổi năm 2015), Luật Quản lý nợ công (sửa đổi năm 2017). Cùng với đó, nhiều văn bản dưới luật cũng đã được ban hành, sửa đổi phù hợp đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời cho công tác giải ngân vốn nước ngoài như Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc rà soát các quy định này để tạo điều kiện hơn nữa cho công tác quản lý, sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nói chung và công tác giải ngân nguồn vốn này nói riêng cũng cần được nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thực hiện.

Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi cơ chế dừng việc cho phép kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công sang các năm sau, nhất là sử dụng vốn vay nợ nhằm tạo sức ép mạnh mẽ để các chủ đầu tư phải giải ngân theo kế hoạch năm, khắc phục tình trạng cuối năm phải chuyển nguồn/hoặc phải huy động vốn vay lớn dồn vào một thời điểm, ảnh hưởng đến an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý nợ công.

Cần bổ sung chế tài đối với việc lập và giao dự toán (vốn nước ngoài, vốn đối ứng) không đúng, giao thừa, giao nhưng không đủ điều kiện phân bổ dẫn đến phải hủy kế hoạch vốn.

Căn cứ vào thực tiễn giải ngân chậm với lý do thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, cần có nghiên cứu, rà soát, có phân loại các điều chỉnh để xây dựng quy trình phù hợp theo các nhóm điều chỉnh, tránh việc mọi điều chỉnh đều cùng một quy trình, đảm bảo rút ngắn quy trình điều chỉnh dự án.

Ba là, rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi có gắn với các ràng buộc (nhà thầu, thiết bị, hàng hóa, dịch vụ tư vấn) hoặc cung cấp vốn viện trợ không hoàn lại gắn với khoản vay có chỉ định tư vấn nước ngoài không đủ năng lực, kéo các khâu sau cũng phải chậm theo, làm giảm hiệu quả đầu tư, tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Bốn là, trong tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, chỉ đạo quyết liệt, xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án (như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, hợp đồng, nhập thiết bị...).

Xin ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành. Thúc đẩy giải ngân trên tinh thần các địa phương không bị giãn cách hoặc ngay sau khi hết giãn cách phải tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn đầu tư công nguồn nước ngoài nói riêng.

Năm là, các bộ, ngành, địa phương sớm rà soát, thực hiện điều chuyển kế hoạch sang các dự án khác trong nội bộ có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Trường hợp không thể điều chuyển trong nội bộ, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp chính xác số liệu, phân tích cụ thể các nguyên nhân của từng dự án điều chỉnh giảm, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP và của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1082/CĐ-TTg. Phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải có cam kết giải ngân hết 100%.

Sáu là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cần được coi trọng.

Bảy là, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn và chế độ quy định; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân thanh toán; chủ trì trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân.

Tám là, nghiên cứu việc xem trước hồ sơ, tài liệu trên bản điện tử (sử dụng bản scan) để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ ở mọi khâu của quá trình triển khai dự án.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

2. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV;

3. Chính phủ (2021), Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yéu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022;

4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021;

5. Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ngày 28/9/2021.

Phạm Hồng Vân - Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.