Dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn vay nước ngoài của địa phương năm 2021 chỉ đạt 36,5%
Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính dự kiến giải ngân đầu tư công nguồn vay nước ngoài cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt xấp xỉ 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.
Đó là thông tin được Bộ Tài chính cho biết tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2021 chiều ngày 7/10/2021.
Tỷ lệ giải ngân vẫn thấp
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021 của các địa phương đạt tỷ lệ tương đối thấp. Hiện mới đạt 9,82% kế hoạch vốn được giao (gồm cả vốn cấp phát và cho vay lại). Một số địa phương đến nay chưa có tỷ lệ giải ngân như: Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum...; một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp như Sơn La, Quảng Ninh, Phú Yên với tỷ lệ chưa đến 1%.
Thứ trưởng cho rằng, tình hình này sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bởi vốn đầu tư công là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế. Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025, nếu tiến độ thực hiện 2021 thấp sẽ ảnh hưởng đến năm 2022 và các năm tiếp theo.
Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, giải ngân vốn ODA vốn ngân sách trung ương mới đạt 11,51% dự toán và vốn cho địa phương vay lại là 7,78% dự toán. Đây là mức giải ngân rất thấp. Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn ODA cả năm 2021 của các địa phương chỉ đạt 36,5% kế hoạch vốn cấp phát được giao.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện các địa phương đều nhận định, trong 9 tháng đầu năm 2021, tác động của đại dịch COVID-19 đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tiếp tục nặng nề, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vay nước ngoài.
Nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát; thời gian nhận được ý kiến không phản đối của các nhà tài trợ kéo dài hơn do dịch COVID-19 đã tác động tới tiến độ giải ngân của các địa phương.
Ngoài ra, việc chậm giải ngân nguồn vay nước ngoài còn có các nguyên nhân như: giá vật tư nguyên vật liệu tăng làm ảnh hưởng thanh toán; vấn đề liên quan đến triển khai dự án như đấu thầu, triển khai thực hiện ký hợp đồng; việc hoàn thiện hồ sơ chứng từ thanh toán…
Rà soát, sớm có văn bản đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn
Sau khi nghe và trao đổi với từng địa phương tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài tại các địa phương ngoài nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 còn do nguyên nhân chủ quan của cơ quan chủ quản và ban quản lý dự án.
Đặc biệt là chậm triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu, xác định khối lượng hoàn thành, hoàn thiện thủ tục thanh toán, đơn rút vốn, ghi thu ghi chi… Do đó, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần triển khai nhanh chóng các khâu này để đảm bảo tiến độ và quản lý chặt chẽ công tác giải ngân.
Bên cạnh đó, một số dự án kéo dài làm đội tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư kể cả thời gian thực hiện và cơ cấu nguồn vốn dẫn đến phải điều chỉnh thời gian giải ngân, điều chỉnh hiệp định quốc tế… mất nhiều thời gian cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, thời gian thực tế năm 2021 còn chưa đầy 3 tháng, nếu tính cả thời gian để thực hiện thủ tục thanh toán thì có thể kéo dài hết tháng 1/2022; thời điểm ghi thu ghi chi là hết tháng 3/2022, nhưng khối lượng phải tính đến khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị, từ nay cuối năm, các địa phương cần rà soát lại khả năng giải ngân và khả năng thực hiện để có văn bản chính thức đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm trước ngày 15/10/2021 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, trong cơ cấu từng dự án của từng tỉnh, thành phố, dự án nào có khả năng giải ngân nhiều hơn thì các địa phương chủ động phân bổ; tích cực chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà tài trợ tổ chức thực hiện có khối lượng và thực hiện thủ tục thanh toán, hạch toán ghi thu ghi chi...
Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Kho bạc Nhà nước cam kết kiểm soát chi trong vòng 03 ngày làm việc và xử lý đơn rút vốn (hình thức rút vốn trực tiếp) trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.