Bộ Chính trị tổ chức hội nghị về thực hiện nghị quyết phát triển Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Ngày 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy…
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, được kết nối từ Trung ương đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Đầu cầu trực tiếp tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hà Nội) với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Ban Thường vụ các tỉnh trong vùng, Bộ trưởng các Bộ.
Đây là Hội nghị thứ 2 về phát triển Vùng được Bộ Chính trị tổ chức, sau Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra ngày 15/4.
Hội nghị nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW đến các ban, bộ, ngành, địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị.
Hiện nay, về địa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh, Việt Nam chia thành sáu vùng, gồm vùng trung du và miền núi Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng...
Chính vì vậy, Bộ Chính trị các khóa trước đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng và giao cho Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hành động và các cơ chế, chính sách phù hợp với từng thời kỳ. Qua đó đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, đồng thời coi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của mỗi vùng và cả nước.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và 9 năm thực hiện Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI cho thấy Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển khá toàn diện nhưng cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế và thách thức mới.
Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị đã đề ra những quan điểm, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp mới có tính đột phá cho phát triển của Vùng thời gian tới, thể hiện ở những điểm căn bản đó là: Phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành Vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững.