Bộ Công Thương thực hiện giải pháp hỗ trợ các dự án ngành ôtô
Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Công Thương, trong năm 2019 này, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy các dự án ngành ôtô, như của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Vinfast và các dự án khác.
Đây được xem là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Cụ thể, theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ sẽ xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ôtô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong và ngoài nước đồng thời, nghiên cứu các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng.
Riêng về công nghiệp hỗ trợ, Bộ sẽ triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành này theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như công nghiệp ôtô, điện tử...; Tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Báo cáo của Bộ Công Thương năm 2018 cho hay, nhiều dự án lớn của ngành công nghiệp ôtô đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành. Có thể kể đến như Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast (tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm), Nhà máy sản xuất ôtô Thaco Mazda (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm); Nhà máy sản xuất ôtô Huyndai Thành Công (tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm)...
Toàn ngành công nghiệp đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ôtô là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công…
Tuy nhiên, thực tế, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian vẫn còn thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng. Điều này cho thấy, sản phẩm trung gian trong sản xuất công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu. Qua đây cũng cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự đáp ứng tốt được yêu cầu mục tiêu đề ra. Cùng với đó, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường...