Bộ Kế hoạch & Đầu tư cảnh báo vốn vay ODA từ Trung Quốc

Theo Anh Minh/VnExpress.net

Lãi suất vay ưu đãi từ Trung Quốc cao gấp rưỡi, hoặc gấp đôi thị trường khác, trong khi điều kiện vay kém ưu đãi hơn.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn chạy thử nghiệm trước khi vận hành chính thức cuối năm 2018, sau 10 năm thi công và 4 lần lỗi hẹn. Ảnh: Ngọc Thành/vnexpress.net
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn chạy thử nghiệm trước khi vận hành chính thức cuối năm 2018, sau 10 năm thi công và 4 lần lỗi hẹn. Ảnh: Ngọc Thành/vnexpress.net

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có báo cáo trình Thủ tướng về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 - 2020, tầm nhìn 2025. Trong số các nguồn vốn vay ODA và ưu đãi từ các nhà tài trợ song phương, cơ quan này lo ngại với vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tín dụng ưu đãi của Trung Quốc tương tự các khoản tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vốn ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

Vốn vay Trung Quốc thường có lãi suất 3% một năm, cao hơn mức lãi vay từ các thị trường khác như Nhật Bản 0,4-1,2% tùy vào thời hạn vay; Hàn Quốc 0-2% tùy theo điều kiện đấu thầu hay Ấn Độ 1,75% một năm; các nước liên minh châu Âu (EU)...

Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm. Các khoản vay tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

"Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp sử dụng cho các dự án có nguồn thu trực tiếp và khả năng trả nợ", Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Cơ quan này cũng cho hay, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Điển hình nhất dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn gấp 2 lần, từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD. 

Bên cạnh đó, 1/3 trong số 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương nghìn tỷ đắp chiếu sử dụng vốn vay từ Trung Quốc, chẳng hạn Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Đạm Hà Bắc, dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên... 

Cũng theo cơ quan ngành kế hoạch, bên cạnh mặt tích cực, ODA và vốn vay ưu đãi cũng bộc lộ những hạn chế. Lãi suất vay có xu hướng tăng dần nên nếu không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi” khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với lãi vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

Một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ và lựa chọn nhà thầu... khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với những trường hợp có đấu thầu cạnh tranh. Ngoài ra, rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá, nhất là việc lên giá của đồng tiền ODA vay ưu đãi so với đồng Việt Nam, có thể làm tăng nghĩa vụ trả nợ, nợ công.

Năng lực hấp thụ viện trợ nước ngoài của quốc gia, ngành, địa phương và những dự án cụ thể còn hạn chế. Phần lớn các dự án vay vốn nước ngoài đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả.

Trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư lưu ý, định hướng thời gian tới vay vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.

Tuy nhiên, xu hướng vay vốn ODA và ưu đãi nước ngoài vẫn được cơ quan này cho là cần thiết trước nhu cầu đầu tư 35-40% hoặc cao hơn để có tốc độ tăng bình quân 6-8% giai đoạn tới. "Do đó, ngoài vốn tích lũy trong nước khoảng 30% GDP, Việt Nam cần huy động thêm vốn từ nước ngoài, gồm vốn ODA, FDI và các khoản vay thương mại khác", cơ quan ngành kế hoạch cho hay.

Đến nay Việt Nam đã ký 84 tỷ USD vốn ODA, dư nợ nước ngoài Chính phủ đến năm 2017 là 45,8 tỷ USD, khoảng 20,52% GDP và tỷ lệ ODA giải ngân/nợ nước ngoài Chính phủ chiếm 7,9%, đòi hỏi phải sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn.

Riêng hai năm (2016 -2017) Việt Nam đã ký vay hơn 9,19 tỷ USD, trong đó gần 6,8 tỷ USD là vay ODA, vay ưu đãi 2,2 tỷ và viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD.

Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước; phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh là 4 ngành, lĩnh vực được ưu tiên vay vốn nước ngoài.

Tổng vốn vay ODA và ưu đãi 2 năm qua tập trung chủ yếu 6 nhóm ngân hàng phát triển, chiếm 91,4%. Trong đó WB là 35%, JICA 33%, ADB 14,1%. Việt Nam cũng nhận khoản viện trợ gần 137,2 triệu USD từ EU trong 2 năm qua.

Giải pháp trong thu hút, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn.

Nghiên cứu rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi; giải pháp xử lý dứt điểm việc thiếu vốn đối ứng của cơ quan chủ quản với các dự án vay vốn ODA. Hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác hệ thống theo dõi, giám sát trực tuyến các chương trình, dự án vay ODA và vốn ưu đãi tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư để tăng chủ động, công khai và minh bạch trong quản lý vốn vay nước ngoài.

Trong dài hạn, Việt Nam cần xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn các dự án vay nước ngoài theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế; Danh sách các dự án dự kiến sử dụng vốn vay nước ngoài trong trung và dài hạn. Trong đó, vốn vay ODA và ưu đãi chỉ nên chiếm 30-50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn khác.

Nguồn vốn vay ưu đãi chỉ nên ưu tiên sử dụng cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, sản xuất thông minh... Ngược lại, các dự án phục vụ nhu cầu mua sắm nội địa cần hạn chế dùng vốn ODA tài trợ do sẽ làm tăng nợ công.

Cuối cùng, cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui. Cơ quan này phân tích, vốn ODA chỉ là một kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Lợi ích lớn nhất của vốn vay nước ngoài là có được nguồn ngoại tệ để tiếp cận công nghệ, tài sản đầu tư các các kiến thức chuyên môn tiên tiến.

"Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược tiếp cận tất cả những yếu tố đó mà không cần ODA. Điều đó có nghĩa cần tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nhân lực trong nước để tiệm cận với trình độ quốc tế”, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị.