Quản lý việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ theo quy định mới ra sao?
Các nội dung về quản lý việc huy động vốn vay, quản lý việc sử dụng vốn vay và tổ chức công tác trả nợ được quy định rõ tại Nghị định số 94/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Theo Bộ Tài chính, nợ công được quản lý chặt chẽ trong hai năm 2016 và 2017. Trong đó, tốc độ gia tăng nợ công giảm gần một nửa, còn khoảng 9,6%/năm so với bình quân 18,1%/năm của giai đoạn 2011-2015. Nợ công giảm từ 63,6% cuối năm 2016 xuống còn 61,4% cuối năm 2017, giảm 2,2% so với GDP và nợ Chính phủ cũng giảm tương ứng, từ 52,6% GDP xuống còn 51,8% GDP...
Quản lý việc huy động vốn vay
Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước (NSNN) ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế, việc huy động vốn từ nguồn lực bên trong và ngoài nước nhằm phục vụ cho đầu tư, phát triển đất nước là vô cùng quan trọng.
Nhằm quản lý việc huy động vốn vay, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định rõ, việc phát hành công cụ nợ trên thị trường trong nước phải đảm bảo các nguyên tắc như: Nằm trong kế hoạch phát hành được cấp có thẩm quyền quyết định; Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ phát hành công cụ nợ của Chính phủ hoặc ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước phát hành, UBND cấp tỉnh thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; Tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế phải đảm bảo: Có đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế được Chính phủ phê duyệt; Phù hợp với luật pháp tại thị trường phát hành; Chỉ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương (NSTW) cho đầu tư phát triển theo quy định của Luật NSNN, cơ cấu lại nợ của Chính phủ. Không phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ để cho vay lại.
Việc vay vốn nước ngoài dưới hình thức thỏa thuận vay, hiệp định vay phải đảm bảo: Chỉ vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; Các khoản vay mới phải được đánh giá về thành tố ưu đãi, tác động đến hạn mức vay nợ và chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; Đề xuất dự án phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ cơ chế tài chính của chương trình, dự án sử dụng vốn vay (cấp phát, cho vay lại).
Đồng thời, việc đàm phán, ký kết hiệp định vay, thỏa thuận vay phải đảm bảo chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư. Trường hợp thỏa thuận vay, hiệp định vay là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trình Chủ tịch nước việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn; Trường hợp thỏa thuận vay, hiệp định vay nhân danh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ đạo việc tổ chức đàm phán, ký kết.
Đối với các khoản vay từ nguồn tài chính khác phải bảo đảm các nguyên tắc: Được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Quản lý nợ công; Hình thức vay theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc thỏa thuận vay; Xác định rõ mức tiền vay, kỳ hạn, lãi suất, các khoản phí có liên quan đến khoản vay, phương thức trả nợ, thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và phạt chậm trả (nếu có), quyền và trách nhiệm của các bên liên quan và các điều kiện, điều khoản khác có liên quan đến việc vay nợ.
Quản lý việc sử dụng vốn vay
Vốn vay trong nước được sử dụng cho các mục đích sau đây: Bù đắp bội chi NSTW, ngân sách địa phương; Bù đắp thiếu hụt tạm thời của NSTW và đảm bảo thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ; Chi trả nợ gốc đến hạn của NSTW, ngân sách địa phương; cơ cấu lại các khoản nợ của Chính phủ.
Vốn vay nước ngoài của Chính phủ được sử dụng cho các mục đích sau đây: Bù đắp bội chi NSTW (Cấp phát đối với chương trình, dự án đầu tư phát triển thuộc nhiệm vụ chi của NSTW; Các khoản vay nước ngoài bằng tiền được hòa đồng vào NSNN cho đầu tư phát triển); Cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.
Về xây dựng dự toán, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán sử dụng vốn vay cùng với việc xây dựng dự toán NSNN theo quy định của Luật NSNN, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp dự toán, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về NSNN.
Về bố trí vốn đối ứng, các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ phải được lập kế hoạch tài chính hằng năm. Nội dung của kế hoạch tài chính bao gồm kế hoạch vốn vay nước ngoài (phân theo từng nước hoặc tổ chức tài trợ) và kế hoạch vốn đối ứng trong nước. Đối với chương trình, dự án vay nước ngoài được áp dụng cơ chế cấp phát toàn bộ từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nguồn vốn đối ứng được bố trí trong dự toán NSNN hằng năm của cơ quan chủ quản theo phân cấp quản lý ngân sách và từ các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật. Đối với chương trình, dự án được áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ hoặc vay lại một phần vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chủ dự án bố trí từ vốn chủ sở hữu hoặc nguồn vốn hợp pháp khác của chủ dự án...
Tổ chức công tác trả nợ
- Đối với nợ Chính phủ: Bộ Tài chính bố trí nguồn NSTW để trả nợ. Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi, phí đầy đủ, đúng hạn. Đối với các khoản vay về cho vay lại, Bộ Tài chính và cơ quan được Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại có trách nhiệm thu hồi toàn bộ gốc, lãi, phí và các chi phí có liên quan.
- Đối với nợ chính quyền địa phương: UBND cấp tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để trả nợ. UBND cấp tỉnh thực hiện thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi, phí đầy đủ, đúng hạn.
- Đối với nợ được Chính phủ bảo lãnh: Đối tượng được Chính phủ bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định của thỏa thuận vay với bên cho vay và thỏa thuận bảo lãnh của Chính phủ. Nghĩa vụ của người bảo lãnh và trách nhiệm của đối tượng được bảo lãnh trong việc trả nợ thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ.