Bộ máy VNPT phải tinh gọn, hiệu quả hơn

PV.

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về kết quả tái cơ cấu tập đoàn này mới đây.

VNPT tái cơ cấu đạt kết quả khá toàn diện.
VNPT tái cơ cấu đạt kết quả khá toàn diện.

Thủ tướng cho rằng, VNPT tái cơ cấu trong thời gian không dài nhưng đã đạt được kết quả khá toàn diện; thay đổi theo mô hình chuỗi của doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin hiện đại; tổ chức quản lý tập trung, giảm đầu mối; nâng cao chất lượng dịch vụ; quản trị doanh nghiệp tốt hơn...

Đó là nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về kết quả tái cơ cấu VNPT.

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo VNPT về kết quả tái cơ cấu VNPT, Tập đoàn đã coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất lao động; chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động sản xuất trực tiếp và kênh bán hàng.

Tập đoàn đã duy trì được mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương trên cả nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử, xây dựng trang tin điện tử cho 455 xã nghèo, khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn VNPT tiếp tục nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Có giải pháp cụ thể để lợi nhuận cao hơn, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, coi đây là tiêu chí để đánh giá hiệu quả điều hành doanh nghiệp.

Đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp. Bộ máy VNPT phải tinh gọn, hiệu quả hơn, chuyển từ bộ máy hành chính kinh doanh sang định hướng kinh doanh ngày càng năng động, nhạy bén trong thị trường viễn thông cạnh tranh, hội nhập.

Đồng thời phát triển mạng viễn thông di động, phát huy thương hiệu Vinaphone đạt tầm quốc tế, phấn đấu đưa Vinaphone vươn lên vị trí hàng đầu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông di động, nghiên cứu để phát triển thị trường ngoài nước.

Bên cạnh đó tiếp tục duy trì là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu về cung cấp hạ tầng mạng trục viễn thông, mạng cố định, hệ thống vệ tinh.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tập đoàn VNPT đẩy mạnh cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin. Tham gia tích cực xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì. Nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền của mạng truyền dữ liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước đến cấp xã, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh cho mạng truyền dữ liệu này.

Tập đoàn VNPT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư dài hạn, trong đó chú trọng đầu tư có trọng điểm, lựa chọn công nghệ hiện đại, phấn đấu để có sản phẩm công nghiệp viễn thông của Việt Nam. Xây dựng phương án cổ phần hoá để thu hút nguồn lực, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện để VNPT có cơ chế phát triển thành tập đoàn kinh tế chủ lực của ngành viễn thông, công nghệ thông tin, như cơ chế tiền lương, việc thành lập các quỹ phát triển của Tập đoàn.