Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng


Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc... nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Chiều 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trong đó, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Dự thảo Luật bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc bổ sung quy định này nhằm giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và tự nguyện).

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đều thống nhất giải pháp để gia tăng số người tham gia BHXH là phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp: Quy định mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và NSNN hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định BHXH bắt buộc và 40% đến từ quy định BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ từ NSNN.

Với quan điểm đó, Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Đánh giá kỹ tác động với ngân sách nhà nước

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28. Đây là một trong những giải pháp góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng, không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp của cá nhân mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ các tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với NSNN, việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang Dự án Luật này và đối với chính sách khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, trong đó xác định rõ nội dung chi trả BHYT; nghiên cứu bổ sung quy định linh hoạt việc huy động các nguồn lực xã hội đối với vấn đề này.

Cơ quan thẩm tra cũng đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28 đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể việc mở rộng đối tượng người lao động là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (điểm l khoản 1) mà không mở rộng đối tượng tham gia là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người); tính đồng bộ giữa quy định của Dự thảo với quy định của pháp luật liên quan và tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Đồng thời, làm rõ việc xác định người sử dụng lao động, mức đóng BHXH khi bổ sung nhóm người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố (điểm i, khoản 1), việc đảm bảo kinh phí, tác động đối với NSNN…

Cùng với đó, đánh giá tác động chính sách đối với các nhóm đối tượng liên quan đến các luật, các dự án luật khác như dân quân tự vệ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, tổ trưởng Tổ hợp tác, người đại diện theo ủy quyền của các thành viên Tổ hợp tác thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.

Cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ quan điểm về việc tham gia BHXH đối với nhóm người lao động mới (vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động chia sẻ công việc…), căn cứ, lý do và cần tiếp tục nghiên cứu (có thể theo hướng làm rõ các tiêu chí) đối với quy định giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các đối tượng khác tham gia BHXH bắt buộc khác.

Theo Báo Kiểm toán