Bộ Tài chính cải cách đồng bộ thủ tục hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin


Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức và nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, Bộ Tài chính đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động của Ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm soát thủ tục hành chính.

Trong quý I/2021, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 10/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành 01 Quyết định công bố bãi bỏ 05 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý công sản. Trên cơ sở Quyết định công bố thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định.

Cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính được Bộ Tài chính triển khai hiệu quả. Trong quý I/2021, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ đảm bảo ổn định và hiệu quả.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai dự án “Nâng cấp Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính” nhằm đáp ứng các yêu cầu, kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 18/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 và Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông góp phần phục vụ công chức trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính được hiệu quả, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin

Cùng với cải cách hiệu quả thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Trong đó, triển khai phần mềm quản lý văn bản (eDocTC), Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử đảm bảo thông suốt và đồng bộ.

Lũy kế từ thời điểm triển khai (ngày 01/12/2015) đến nay, số lượng văn bản điện tử được quản lý, lưu trữ trên chương trình eDocTC là 1.707.477 văn bản, trung bình số lượng văn bản điện tử được quản lý, lưu trữ là 426.862 văn bản/năm.

Bộ Tài chính bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, giải pháp kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ Tài chính với Trục liên thông văn bản quốc gia theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đã nhận được 39.572 văn bản và đã gửi 12.254 văn bản thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia với 95 cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện nay, Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến 946 thủ tục, trong đó bao gồm: 101 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 295 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 214 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 336 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của ngành Tài chính là 550 dịch vụ (đạt tỷ lệ 58%).

Trong triển khai xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo, Bộ Tài chính đã hoàn thành thử nghiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu báo cáo về kê khai định kỳ tài sản công từ Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Tài chính với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đồng thời, đã rà soát và bổ sung 04 báo cáo thuộc lĩnh vực ngân sách nhà nước, đầu tư, giá và hải quan để thử nghiệm và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Việc cải cách thủ tục hành chính cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tài chính đã mang lại những hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận, góp phần tiết kiệm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, phù hợp với khả năng của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

Mọi quy trình giải quyết thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch đảm bảo cho mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Công nghệ thông tin được ứng dụng mức độ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức liên quan cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.