Bộ Tài chính cắt giảm triệt để chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật

Trần Huyền

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật, nỗ lực nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhằm giảm chi phí tuân thủ quy định pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí gây khó khăn cho doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nếu có những quy định gây khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, rà soát, lập danh mục các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có nội dung chưa rõ, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu khả thi, khó tuân thủ để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo đúng thẩm quyền.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ công bố kịp thời, đầy đủ, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong các lĩnh vực kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật.

Các đơn vị trong ngành Tài chính kịp thời thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp nêu tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.

Nhờ các giải pháp được chỉ đạo triển khai quyết liệt, Bộ Tài chính đã cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật. Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, tính đến ngày 08/12/2021, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 27 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 quyết định (tính cả các đề án đã trình từ năm 2020 chuyển sang); Ban hành theo thẩm quyền 100 thông tư.

Các văn bản trên đã thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó, đã rà soát đến việc bãi bỏ các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 139/NQ- CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp góp phần cải thiện chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính. Đến nay, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 295 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh. Bộ Tài chính đang khẩn trương rà soát và đề xuất các phương án để cắt giảm, đơn giản hoá các quy định và chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo lĩnh vực được giao quản lý, đảm bảo đến năm 2025 thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định và chi phí tuân thủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách về thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Các chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí đã nhận được sự đánh giá cao, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành nghề.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, những nỗ lực nêu trên của Bộ Tài chính là hành động cụ thể, thiết thực, thể hiện sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương nói chung và Bộ Tài chính nói riêng cùng chung sức hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.