Tháo gỡ nút thắt, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn vốn "mồi" tại các địa phương

Trần Huyền

Vốn đầu tư công được đánh giá như nguồn vốn "mồi", giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn này đặc biệt có ý nghĩa hơn đối với các địa phương kinh tế - xã hội còn khó khăn. Do đó, mỗi địa phương cần triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tốc độ giải ngân tại nhiều địa phương còn chậm

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; kịp thời có các văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền và có văn bản gửi các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công.

Các địa phương cũng đã khẩn trương phân bổ kế hoạch đầu tư công sớm và đáp ứng theo các nguyên tắc, tiêu chí bố trí kế hoạch đầu tư công theo quy định, cụ thể: ưu tiên bố trí vốn để hoàn trả ứng trước; Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, số vốn còn lại mới bố trí cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021 theo tiến độ và các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, do đặc thù kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên phải chờ giao kế hoạch trung hạn nên các dự án khởi công mới giao muộn, ngoài ra do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Theo Bộ Tài chính, chỉ riêng 6 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, số giải ngân vốn (đến ngày 30/11/2021) là 11.749,185 tỷ đồng đạt 48,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021, thấp hơn bình quân cả nước 65,7%.

Các địa phương này đều gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua, dẫn đến các hoạt động liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng. Một số quy định liên quan về thủ tục đầu tư, xây dựng, giải ngân… còn chồng chéo, chưa rõ ràng và chưa phân cấp triệt để cho các địa phương.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù, di dời công trình phải giải tỏa, chồng lấn mặt bằng thi công, khiếu kiện của người dân… đang là nút thắt lớn trong giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương. Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa được tách ra khỏi dự án đầu tư công nên khi điều chỉnh chi phí dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng sẽ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt của dự án nên kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như: giá nguyên vật liệu tăng cao; năng lực của một số chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế, nhất là trong khâu chuẩn bị dự án và tổ chức thực hiện; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và với chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ, hiệu quả; một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước để thực hiện thủ tục giải ngân vốn đầu tư, chậm quyết toán dự án và hợp đồng đã hoàn thành để có thể giải ngân dự án... cũng làm chậm tiến độ giải ngân của các địa phương.

Nỗ lực giải ngân nguồn vốn "mồi"

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương rà soát tiến độ thực hiện dự án và điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ các dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có tiến độ thực hiện tốt, có khả năng hấp thu vốn đầu tư; tăng cường chỉ đạo phối hợp giữa các Sở ngành, Kho bạc Nhà nước, Lãnh đạo các quận, huyện và các chủ đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và thực hiện giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng.

Các địa phương cần có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân và người lao động tại các công trình, có chính sách tạo điều kiện để cho người lao động trở lại làm việc. Hỗ trợ, giám sát chủ đầu tư các dự án triển khai thực hiện dự án đúng quy định, đúng tiến độ và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, cần đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định...

Đối với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị cần lập kế hoạch, lộ trình, thứ tự ưu tiên để tiếp tục triển khai thực hiện đối với từng dự án; bám sát tiến độ, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cùng với đó là đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Định kỳ hàng tuần, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư cần tổ chức cuộc họp giao ban công tác giải ngân tại đơn vị để đánh giá và xây dựng lộ trình cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn vốn này, tại cuộc làm việc của Tổ công tác số 5 của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với 6 địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, cần trân trọng các đồng vốn đầu tư, vì vốn đầu tư công như vốn "mồi", nếu được giải ngân kịp thời, hiệu quả sẽ giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế, tạo công văn việc làm, phát triển kinh tế xã hội bền vững. Do đó, cần nỗ lực ngày đêm để tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này.