Bộ Tài chính gỡ vướng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thuế, hóa đơn

PV.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Bình có công văn số 211/BDN ngày 08/6/2020 đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có hướng dẫn cụ thể về hành vi dẫn đến trốn thuế là “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” và “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cử tri tỉnh Quảng Bình phản ánh, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có hướng dẫn cụ thể về hành vi dẫn đến trốn thuế là “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” và “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn”. Tuy nhiên, Điểm d, Khoản 1, Điều 200, chương XVIII chỉ quy định về hành vi trốn thuế, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp...., không quy định về hành vi “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” để trốn thuế. Vậy trường hợp doanh nghiệp có hành vi “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” để trốn thuế, cơ quan điều tra có xử lý hình sự được không?

Cử tri tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện.

Ngày 29/7/2020, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 9104/BTC-TCT trả lời cụ thể vấn đề trên.

Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ thay thế Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/7/2022. Tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã đưa vào quy định khái niệm “sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp” và “sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ” để làm cơ sở cho việc xử phạt hành vi vi phạm tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn đồng thời cũng thống nhất với hành vi tương tự đang được quy định tại Điều 200 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13.

Bộ Tài chính cho biết, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 200 (Chương XVIII) Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 đã quy định rõ về tội trốn thuế.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn… để trốn thuế với số tiền từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ Luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đồng thời, tại Khoản 8, 9 Điều 3 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ và tại Điều 22, Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có quy định các trường hợp sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp về hóa đơn.

Theo đó, trường hợp người nộp thuế (tổ chức, hoặc cá nhân) thực hiện hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ và Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính nêu trên để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào, làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn nhằm trốn thuế thì phải chịu trách nhiệm hình sự và bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự nêu trên.

Thêm vào đó, tại Khoản 4, Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 quy định hành vi trốn thuế như sau: "Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp”.

Theo đó, hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm trốn thuế đã thống nhất với tội trốn thuế được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 200 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 nêu trên.

 Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của  Quốc hội, Bộ đang chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ thay thế Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/7/2022.

Tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đã đưa vào quy định khái niệm “sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp” và “sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ” để làm cơ sở cho việc xử phạt hành vi vi phạm tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn đồng thời cũng thống nhất với hành vi tương tự đang được quy định tại Điều 200 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13.