Quản lý chặt chẽ, công khai tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi


Bộ Tài chính đã có ý kiến trả lời cử tri tỉnh Quảng Ninh về đề nghị ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện đối với nội dung chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ tránh thất thoát, lãng phí tài sản công.
Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ tránh thất thoát, lãng phí tài sản công.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh trở lên), Ủy ban nhân dân các cấp (đối với công trình thủy lợi còn lại) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi.

Đồng thời, cơ quan được giao quản lý tài sản lập kế hoạch khai thác đối với tài sản được giao quản lý, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo phân cấp xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được thực hiện theo các phương thức sau:

Thứ nhất, nhà nước giao cho đơn vị khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thực hiện khai thác theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Thủy lợi và quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017;

Thứ hai, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện lập Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Thứ ba, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Cơ quan được giao quản lý tài sản thực hiện lập Đề án chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Thứ tư, phương thức khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định nêu trên, tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được giao cho cơ quan quản lý tài sản (quy định tại khoản 3 Điều 3, Điều 5 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP) để thống nhất quản lý, chịu trách nhiệm trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản.

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thực hiện theo các phương thức nêu trên đảm bảo việc quản lý tài sản chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả hơn và tránh thất thoát, lãng phí tài sản công.