Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư về rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp
Cùng với việc yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính cũng tiếp tục phát đi cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư cần hết sức lưu ý.
Theo Bộ Tài chính, sau 11 tháng triển khai các quy định mới về phát hành TPDN, thị trường TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các DN trong bối cảnh tín dụng ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng.
Cụ thể, khối lượng phát hành TPDN đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là TPDN phát hành ra công chúng chiếm 5,5% tổng khối lượng phát hành. Các tổ chức tín dụng (TCTD) và DN bất động sản là các nhà phát hành lớn nhất trên thị trường chiếm lần lượt 34% và 27,7% tổng khối lượng phát hành, còn lại là các DN thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán. Về cơ cấu nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại là các nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng mua TPDN riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân giảm so với năm 2020.
Trước tình hình phát hành TPDN diễn biến khá phức tạp và xuất hiện một số vụ việc vi phạm của DN phát hành được Bộ Tài chính phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, nhiều cảnh báo về rủi ro đã được Bộ Tài chính và các chuyên gia tài chính đưa ra. Trong đó, tại thông cáo báo chí mới nhất về tình hình thị trường TPDN riêng lẻ 11 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính cũng tiếp tục đưa ra những cảnh báo rủi ro mà nhà đầu tư cần hết sức lưu ý. Cụ thể:
Đối với tài sản đảm bảo của trái phiếu
Trong số các TPDN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, TPDN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1% (trong đó trái phiếu do các TCTD và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%). Trong số 300 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, 207 DN phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.
Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường; theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của DN do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.
Đối với DN phát hành
Trên thị trường vẫn có trường hợp DN phát hành TPDN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.
Đặc biệt, đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 DN bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 DN ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021; tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các DN bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các DN bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.
Đối với các nhà đầu tư
Số liệu thống kê cho thấy nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có xu hướng giảm mua trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ, tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao.
Luật Chứng khoán, Luật DN và các Nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Vì vậy, trước khi cân nhắc mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị nhà đầu tư khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về (i) tình hình tài chính của DN phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của DN (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn/dài hạn, hệ số luân chuyển hàng tồn kho…); (ii) mục đích phát hành trái phiếu; (iii) tài sản đảm bảo của trái phiếu (trường hợp tài sản đảm bảo của trái phiếu chưa được đăng ký giao dịch tài sản đảm bảo thì nhà đầu tư phải rất thận trong nếu DN phát hành sử dụng cùng 1 tài sản để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ nợ trái pháp luật, theo đó quá trình xử lý tài sản đảm bảo có thể kéo dài và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có thể không được thanh toán); (iv) đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của DN phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành, do đó không có trảch nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.