Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần minh bạch thông tin
Về cơ bản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một trong những kênh huy động vốn hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Thế nhưng, trên thị trường TPDN đang có tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ và thiếu minh bạch thông tin, có thể dẫn đến rủi ro cho thị trường tài chính.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị TPDN phát hành trên thị trường đạt hơn 1.100 nghìn tỷ đồng. Năm 2015, giá trị TPDN phát hành khoảng 100.000 tỷ đồng, dư nợ chỉ chiếm 3,4% GDP thì đến năm 2020, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 466.826 tỷ đồng, chiếm 17,8% GDP. Trong chín tháng đầu năm 2021, tổng giá trị TPDN phát hành là 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Thị trường TPDN có sự phát triển bùng nổ trong thời gian qua một phần do sự tăng cường kiểm soát trong hoạt động tín dụng đối với khách hàng của Ngân hàng Nhà nước dẫn tới yêu cầu cao hơn về khả năng vay vốn, một phần do hoạt động phát hành TPDN với các quy định lỏng hơn, doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.
Các nhà phát hành chấp nhận mức lãi suất rất cao, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi lãi suất vay dài hạn của các ngân hàng khoảng trên dưới 7% thì các công ty bất động sản chấp nhận lãi suất TPDN từ 9% đến 11%/năm, cá biệt lên đến 12,5%/năm.
Trong khi quy mô phát hành TPDN ngày càng lớn, tầm ảnh hưởng lên hệ thống tài chính ngày càng rõ rệt thì việc quản lý, giám sát hoạt động phát hành TPDN và quyền lợi của nhà đầu tư chưa được bảo đảm. Mặc dù Bộ Tài chính đã có những bước đi quyết liệt nhằm thanh lọc thị trường TPDN như tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, ban hành Thông tư số 118/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020, Thông tư 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 nhưng vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết.
Thứ nhất là nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu ba không: “không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán”. Nhiều doanh nghiệp tình trạng tài chính yếu kém vẫn phát hành số lượng lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Nhiều doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng vốn góp thật rất ít. Một số doanh nghiệp sử dụng thủ thuật tài chính để quay vòng dòng tiền góp vốn nhằm nâng khống số vốn gấp nhiều lần… Do đó, TPDN do doanh nghiệp yếu kém phát hành tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không chỉ cho các nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính-tiền tệ.
Thế nhưng, những trái phiếu dạng “yếu kém” nêu trên vẫn được nhiều nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, chấp nhận. Pháp luật hiện hành chỉ cho phép các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ (để bảo đảm nhà đầu tư có đầy đủ khả năng đánh giá, kiểm soát rủi ro và chịu trách nhiệm đối với quyết định đầu tư của mình).
Thế nhưng, tình trạng lách luật liên quan đến nhà đầu tư chuyên nghiệp diễn ra tràn lan, chủ yếu tại các ngân hàng và công ty chứng khoán. Lãi suất cao cộng với sự giới thiệu hoành tráng của ngân hàng và công ty chứng khoán, các nhà đầu tư mua TPDN do niềm tin vào sự bảo đảm của ngân hàng và công ty chứng khoán.
Thứ hai, các ngân hàng phát hành trái phiếu lòng vòng lẫn nhau. Trong chín tháng đầu năm 2021, có 20 ngân hàng phát hành 136,4 nghìn tỷ đồng TPDN (tăng 42,6% so cùng kỳ). Sau khi Thông tư 01/2021/TT-NHNN gỡ bỏ quy định của Thông tư 34/2013/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được mua trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp của các tổ chức tín dụng khác, một số lượng lớn TPDN do ngân hàng phát hành có bên mua chính là các ngân hàng.
Tính chung, số dư TPDN ngân hàng đang lưu hành tại cuối thời điểm 30/6/2021 ở mức 403,7 nghìn tỷ đồng của 29 ngân hàng thương mại. Con số này tương đương với giá trị TPDN của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng này cũng đang nắm giữ tại thời điểm đó. Nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu lòng vòng lẫn nhau để tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn trong hoạt động và bổ sung nguồn vốn trung hạn. Việc phát hành TPDN lòng vòng trong hệ thống ngân hàng khiến tình hình tài chính của các ngân hàng bị phản ánh sai lệch.
Thứ ba, hiện nay chưa có quy định cụ thể để kiểm soát rủi ro tập trung của TPDN. Cũng chưa có quy định nào kiểm soát mức độ tập trung của đối tượng phát hành TPDN tại các doanh nghiệp có liên quan đến nhau.
Thứ tư là việc minh bạch thông tin và hệ thống xếp hạng tín nhiệm đối tượng phát hành TPDN chưa được triển khai. Mặc dù Thông tư 118/2020/TT-BTC có quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp giá trị trái phiếu phát hành lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu, hoặc tổng dư nợ trái phiếu tại thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu, thế nhưng thời điểm áp dụng sau hai năm kể từ ngày 1/1/2021 (tức là 1/1/2023).
Do đó, hiện nay chưa có hệ thống xếp hạng tín nhiệm đối với đối tượng phát hành. Việc xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp thị trường, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư mà còn giúp doanh nghiệp phát hành xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng trên thị trường trong nước và quốc tế tốt hơn, hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách, quy chuẩn đầu tư TPDN. Hiện, có khoảng 18 đến 19 triệu thể nhân, người vay. Trên hệ thống ngân hàng thì dư nợ khoảng 375 tỷ USD do NHNN quản lý được, còn khoảng 500.000 nhà đầu tư trái phiếu, đầu tư vào hàng nghìn doanh nghiệp phát hành, vàng thau lẫn lộn, đặc biệt là doanh nghiệp không niêm yết thì không cơ quan nào quản lý.