Bộ Tài chính Nga tấn công vào các công ty offshore

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Mới đây Bộ Tài chính liên bang Nga đã soạn thảo dự luật đầu tiên về đấu tranh với các công ty offshore, hay còn gọi là công ty cảnh ngoại do các pháp nhân nước ngoài kiểm soát.

Trụ sở Bộ Tài chính Nga. Nguồn: internet
Trụ sở Bộ Tài chính Nga. Nguồn: internet

Theo dự luật mới, không chỉ các công ty Nga mà cả cá nhân sở hữu từ 10% cổ phần trở lên của công ty offshore sẽ phải có nghĩa vụ khai báo cho cơ quan thuế và nộp thuế vào ngân sách Nga.

Dự luật của Bộ Tài chính Nga sẽ liên quan tới diện rộng người đóng thuế. Như các quan chức của Bộ thừa nhận, đây chính là kế hoạch bao trùm tất cả các chủ sở hữu công ty offshore và làm cho việc đăng ký công ty ở nước ngoài trở nên kém lợi nhuận.

Hiện nay các công ty offshore không chỉ hoạt động mạnh ở Nga, mà còn phát triển mạnh trên toàn thế giới nhờ những lợi thế đặc biệt của mô hình này. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc thông qua công ty offshore gián tiếp thành lập xí nghiệp, văn phòng đại diện và công ty mậu dịch được hưởng chính sách miễn giảm thuế của công ty cảnh ngoại, chức năng trách nhiệm hữu hạn tại nước ngoài và bảo lưu lợi nhuận không kỳ hạn tại nước ngoài.

Hầu hết các công ty thương mại xuất nhập khẩu đều dùng tối thiểu một công ty cảnh ngoại làm công ty trung gian, xuất hoá đơn Invoice, Packing List mua hàng từ quốc gia này, sau đó gián tiếp bán hàng sang quốc gia khác nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh giá cả trên thị trường quốc tế, tối ưu hoá các khoản thuế.

Việc sử dụng công ty offshore mà không trực tiếp dùng công ty mẹ thành lập chi nhánh/công ty con, văn phòng đại diện tại nước ngoài đích thực là một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro trong việc đầu tư, đồng thời có nhiều điều kiện để niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Dùng công ty offshore sở hữu các loại thương hiệu, bản quyền, độc quyền, ngoài chức năng miễn thuế lợi nhuận, còn tránh được các mối lo ngại liên quan đến thuế, không chịu ảnh hưởng theo pháp chế của các nước khác; mặt khác còn có thể đăng ký công ty tại các nước có ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với nhiều quốc gia như Malaysia, vận dụng chức năng tránh đánh thuế 2 lần nhằm mục đích hưởng ưu đãi về thuế khi chuyển lợi nhuận về nước.

Hiện nay ở Nga có khá đông doanh nhân sở hữu các công ty Nga hoạt động thông qua offshore. Họ gián tiếp hưởng cổ tức và lãi suất trên vốn tài sản ở Nga nhưng qua các "thiên đường thuế" với mức đánh thuế rất thấp. Ví dụ, khoản khấu trừ trên cổ tức ở quốc đảo Cyrpus là 5%, trong khi theo quy định luật pháp Nga phải là 15%, lợi tức kinh doanh ngoài lãnh thổ offshore không bị đánh thuế.

Quy định mới yêu cầu các công ty offshore hoạt động ở Nga vẫn sẽ đóng thuế lợi nhuận 20%, các cổ đông offshore người Nga sẽ nộp 13% thuế thu nhập. Cá nhân sở hữu dưới 10% cổ phiếu của công ty ở nước ngoài sẽ không bị đánh thuế nhưng có bổn phận khai báo với cơ quan thuế.

Các chuyên gia cho rằng biện pháp do Bộ Tài chính Nga đề xuất tương đối nghiêm khắc. Ở hầu hết các nước, người nộp thuế nắm ít nhất một nửa cổ phiếu doanh nghiệp offshore mới phải đóng thuế thu nhập ở quê hương. Định mức trên 10% chỉ tồn tại ở Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách quốc tế giảm thiểu offshore đã được chính thức công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St Petersburg, tháng 9/2013. Càng ngày, trên thế giới càng có nhiều ý kiến hưởng ứng việc thắt chặt các quy tắc. Nhiều người tin rằng đây sẽ là một xu hướng toàn cầu.

Ngoài ra, các phân tích nhìn nhận đây cũng là một mục tiêu vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Nga, khi mà nguyên tắc "trước hết nộp thuế, sau đó mới được đầu tư vào bất cứ đâu và bất cứ cách nào", được dự báo sẽ chiếm ưu thế.

Bình luận về vấn đề này, ông Aleksand Shokhin, Chủ tịch Liên hiệp các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga cho rằng, các doanh nhân Nga ủng hộ biện pháp đưa các hoạt động kinh doanh trở về nước. Điều này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế. Đồng thời, hạn chế biện pháp trốn thuế thông qua công ty offshore.

Ông Aleksand Shokhin cũng trấn an các doanh nghiệp rằng, vấn đề như vậy không vấp phải với các công ty cởi mở có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán. Họ minh bạch, kể cả nếu sử dụng cấu trúc giao dịch offshore, họ vẫn nộp thuế đúng chỗ. Vì vậy, nên thúc đẩy tối đa sự cởi mở của các doanh nghiệp, thu hút cổ đông nắm thiểu số cổ phiếu, họ là những người quan tâm giám sát vấn đề này.

Hiện nay "danh sách đen" của Bộ Tài chính Nga có 41 khu vực offshore, nhưng không có một số vùng mà nhiều doanh nhân Nga khai thác, ví dụ Thụy Sỹ, Cộng hòa Cyrpus, Hà Lan. Bộ Tài chính Nga hứa sẽ mở rộng danh sách sau khi dự luật được Quốc hội xem xét.