Bộ Tài chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế

Trần Huyền (thực hiện)

Thời gian qua, trước bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã khẩn trương ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và nhanh chóng triển khai các giải pháp để sớm đưa chính sách vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Để hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phóng viên: Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết, Bộ Tài chính đã có những chính sách về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như thế nào để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Quốc Hưng Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính)
Ông Nguyễn Quốc Hưng
Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Ngay từ đầu năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Điển hình như: Đã tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; miễn, giảm các khoản thuế (như thuế TNDN, thuế TNCN, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), thuế GTGT, tiền chậm nộp thuế), phí, lệ phí và tiền thuê đất. Trong đó, có nhiều giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra như: Miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Giảm mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; Miễn tiền chậm nộp thuế.

Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với số tiền dự kiến khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó số được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Để các chính sách nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các chính sách, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của chính sách, đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể, chi tiết các nội dung để thực hiện được ngay.

Tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng của năm 2021.

Phóng viên: Trong Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường vừa qua, chính sách miễn, giảm thuế là một trong những nội dung quan trọng, nổi bật. Xin ông thông tin thêm về các chính sách này?

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là khoảng 02 nghìn tỷ đồng.

Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Phóng viên: Có thể nói, chính sách miễn, giảm thuế nêu trên có ý nghĩa to lớn đối với người dân, doanh nghiệp nói riêng và hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội nói chung. Bộ Tài chính đã triển khai thế nào để chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Để chính sách miễn, giảm thuế nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đảm bảo bám sát các nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Ngoài ra, Nghị định được xây dựng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới về thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về giảm thuế GTGT, để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã nêu rõ hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế GTGT theo các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cũng quy định giảm thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, không phân biệt đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Do vậy, việc áp dụng giảm thuế GTGT sẽ không phân biệt phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu. Quy định này nhằm tạo điệu kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách.

Để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cũng đã giao các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Trong đó, tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế GTGT) từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 01/02/2022.

Về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, chính sách này giống với quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và đã được hướng dẫn thực hiện cụ thể theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ. Do vậy, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể điều kiện cũng như hồ sơ thực hiện trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP để các doanh nghiệp, tổ chức dễ dàng áp dụng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân hiểu và được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được quy định có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan... là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân.

Từ đó, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!