Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cử tri Tây Ninh về ngưỡng an toàn nợ công
(Tài chính) Tính đến 31/12/2012, tổng số nợ công của Việt Nam bằng 55,7% GDP năm 2012 và ước đến 31/12/2013, con số này vào khoảng 56,2% GDP năm 2013. Như vậy có thể thấy, mức nợ công hiện hành của Việt Nam hiện ở ngưỡng an toàn.
Hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chuẩn chung về mức ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu về nợ công để áp dụng cho tất cả các nước.
Việc xác định các chỉ tiêu an toàn về nợ công của từng nước thường được dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ, tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá, tiền tệ, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển, hệ số tín nhiệm của quốc gia và có thể tham khảo khuyến nghị của IMF/WB về ngưỡng an toàn nợ nước ngoài theo phân loại chất lượng khuôn khổ thể chế và chính sách.
Ngoài ra, các nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu cũng quy định hạn mức trần nợ công áp dụng chung cho tất cả các nước trong khối là dưới 60% GDP, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP.
Đối với Việt Nam, tại Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định các chỉ tiêu an toàn về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia như sau:
Nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.
Tính đến 31/12/2012, tổng số nợ công của Việt Nam bằng 55,7% GDP năm 2012 và ước đến 31/12/2013, con số này vào khoảng 56,2% GDP năm 2013. Như vậy có thể thấy, mức nợ công hiện hành của Việt Nam hiện ở ngưỡng an toàn./.