Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020


Bộ Tài chính vừa han hành Quyết định số 318/QĐ-BTC ngày 20/3/2020 về chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2020. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu được quy định trong Chương trình tổng thể của Chính phủ.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu được quy định trong Chương trình tổng thể của Chính phủ.

Mục tiêu triển khai

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 nhằm nâng cao hiệu quả, phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành tiết kiêm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ đã đề ra tại Chương trình tổng thể của Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2017-2020. 

Đề đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ năm 2020 phấn đấu không thấp hơn mục tiêu, chỉ tiêu được quy định trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 và trong năm 2020.

Bên cạnh đó, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước tại các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị phải tiến hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thường xuyên, liên tục ở mọi lúc mọi nơi với sự tham gia của tất cả các công chức, viên chức và người lao động, cụ thể:

Tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước để giảm tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí; Tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện...

Triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách hàng năm cho các đơn vị. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương. Trong đó, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 29/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020… Phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015. 

 Giải pháp thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Để các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện hiệu quả, Bộ Tài chính đã đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2020 như sau:

Một là, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong tất cả các khâu: Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước. 

Hai là, từng bước thực hiện đổi mới phương thức quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Ba là, tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý… 

Bốn là, thực hiện nghiêm túc công khai, dân chủ trong dự toán, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật về quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước

Năm là, điều hành, quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; thực hiện triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. 

Sáu là, rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả.