Bộ Tài chính xác định hoàn thuế là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục
Phát biểu tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định hoàn thuế cho doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn, báo chí. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp.
Giải quyết hoàn thuế sớm là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Trả lời báo chí liên quan đến các giải pháp đẩy mạnh công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã thành lập các đoàn công tác để rà soát, tháo gỡ khó khăn, nhờ đó kết quả hoàn thuế GTGT thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, đã phát hiện được một số sai phạm trong quá trình thực hiện, do đó, Tổng cục Thuế đã tổng hợp kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi một số quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tiêu chí hoàn thuế tích hợp tự động để tiếp nhận hồ sơ tự động.
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, sự thay đổi về kết quả hoàn thuế GTGT thời gian qua còn đến từ chính vấn đề giám sát thực hiện. Do đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế chỉ đạo một đồng chí phó cục trưởng trực tiếp giải quyết hồ sơ hoàn thuế, nên không có độ trễ giữa việc trình và duyệt hồ sơ.
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, hoàn thuế GTGT phải đáp ứng được yêu cầu: đúng quy định pháp luật và phải đúng người, đúng việc, không để xảy ra tình trạng gian lận, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
“Tuy nhiên, không vì thế mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không tìm kiếm giải pháp tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoàn thuế sớm nhận được tiền", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng chỉ ra các giải pháp đó là ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường trách nhiệm công vụ, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ thuế. Qua triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp này, công tác hoàn thuế GTGT đã đem lại kết quả khá tốt trong thời gian qua.
Đáng chú ý, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định hoàn thuế cho doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải quan tâm, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay. Việc giải quyết hoàn thuế sớm cũng chính là hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi mã số thuế cá nhân theo mã định danh không ảnh hưởng tới người dân
Một nội dung nữa liên quan đến công tác quản lý thuế được báo chí đặc biệt quan tâm đó là việc chuyển đổi mã số thuế cá nhân theo mã định danh công dân.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Tổng cục Thuế đang thực hiện chuyển đổi mã số thuế cá nhân theo mã định danh công dân. Đến nay, ngành Thuế đã cấp được 75 triệu mã số thuế cá nhân.
Trên cơ sở quy chế phối hợp, Tổng cục Thuế và Bộ Công an đang tiến hành đối chiếu dữ liệu quản lý của cơ quan thuế và dữ liệu quản lý dân cư để sau khi thông tư hướng dẫn có hiệu lực, sẽ chuyển đổi hoàn toàn mã số thuế theo mã định danh. Kết quả chuyển đổi mang lại sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc xác định nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định sẽ không có sự chồng chéo trong việc tích hợp thông tin, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan liên quan, cũng như không ảnh hưởng gì đến người dân.
Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ hoàn thành thực hiện theo Đề án 06 trong năm nay. Hiện nay, Tổng cục Thuế cũng đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Quá trình chuyển đối nếu có vấn đề phát sinh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo mã số thuế cá nhân đúng với mã định danh trong dữ liệu dân cư.
Tham mưu để xây dựng khung pháp lý chặt chẽ trong quản lý tiền ảo, tài sản ảo
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về tình hình triển khai công tác nghiên cứu đề án về tài sản ảo, tiền ảo, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Hoàng Văn Thu cho biết, đây là lĩnh vực tương đối phức tạp, nhạy cảm so với các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng chống tội phạm, vì vậy đòi hỏi phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng.
Sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hoàng Văn Thu cho hay cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả lấy ý kiến này và xin ý kiến chỉ đạo triển khai bước tiếp theo. Đặc biệt, Uỷ ban đang hướng đến việc đề xuất Thủ tướng để thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án này.
“Ngay việc xác định phạm vi, nội hàm của tiền ảo, tài sản ảo đến nay cũng chưa có khái niệm chính thức, do đó cần có tổ công tác liên ngành để nghiên cứu, tiếp cận các kinh nghiệm các nước trên thế giới, thông lệ quốc tế để áp dụng vào thực tế của Việt Nam”, ông Hoàng Văn Thu nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về kết quả nghiên cứu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện Uỷ ban đang liên hệ, trao đổi với sàn giao dịch Finance - sàn giao dịch lớn trên thế giới hiện đang có hơn 200 danh mục tiền ảo, tài sản ảo…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, đây không phải vấn đề mới nhưng là vấn đề khó, có nhiều rủi ro, đòi hỏi chúng ta phải có đánh giá toàn diện. Theo Thứ trưởng, hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa công nhận đó là tài sản. Muốn được giao dịch thì phải là tài sản, từ đó mới lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý… Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, chúng ta còn nhiều bước nghiên cứu kỹ lưỡng, đối với loại hình tài sản này.
“Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều trường hợp tham gia vào hoạt động này dẫn đến rủi ro. Cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Tài chính đã cảnh báo nhiều lần về vấn đề này. Bản thân Bộ Tài chính cũng đã trao đổi cụ thể với các cơ quan quản lý, bảo vệ pháp luật về vấn đề này", Thứ trưởng nêu.
Cùng với việc kiến nghị thành lập tổ công tác liên ngành, Thứ trưởng khẳng định Bộ Tài chính sẽ tích cực, chủ động hơn nữa, có những đánh giá đối với loại hình tài sản này để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để tổ chức quản lý chặt chẽ hơn, có khung pháp lý chặt chẽ hơn để quản lý hiệu quả an toàn, bền vững.