Cảnh giác trước lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo
Thời gian qua, có nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng xu hướng người dân quan tâm đến chứng khoán để tạo ra các ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo, các mô hình giao diện và các mã chứng khoán giống với sàn chứng khoán với mục tiêu lôi kéo, lừa đảo.
Nhận diện dấu hiệu lừa đảo
Hiện nay, phần lớn sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, bất động sản, kinh doanh đa cấp có mục tiêu quảng cáo nhằm lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư. Tuy nhiên, khi tham gia các sàn này, người dân đối mặt với nguy cơ lừa đảo rất cao.
Thậm chí, nhiều người dù là nhà đầu tư chứng khoán lâu năm nhưng vẫn trở thành nạn nhân của những app giả mạo sau nhiều cuộc điện thoại mồi chài tham gia vào những hội nhóm đầu tư chứng khoán trên các nền tảng xã hội như telegram, zalo.
Thủ đoạn phổ biến là đối tượng tự giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty chứng khoán uy tín, để tạo lòng tin cho người dân và bắt đầu thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng yêu cầu chuyển tiền trước với các sàn yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
Các đối tượng đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư mới. Các app giả mạo luôn hiển thị lợi nhuận gia tăng chóng mặt, biên độ tăng giá cao hơn nhiều so với sàn chứng khoán thật. Khi thấy khoản tiền của mình trong các app đầu tư giả mạo tăng đáng kể, nhiều nhà đầu tư nhẹ dạ lại tiếp tục nộp tiền để đầu tư.
Theo Trung tá Đào Minh Hà – Đội trưởng Đội An ninh mạng và Phòng Chống tội phạm công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội), khi các nhà đầu tư yêu cầu đánh các lệnh để rút tiền thì các đối tượng này tìm mọi cách trì hoãn việc trả tiền cho nhà đầu tư và đưa ra rất nhiều các lí do khác và khi không còn cơ hội yêu cầu các nhà đầu tư nộp thêm tiền thì các đối tượng đánh sập các app và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Ngoài ra, một trong những dấu hiệu phổ biến khác là các sàn này thường không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý hoặc không được cấp phép hoạt động đúng quy định. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về tư cách pháp nhân của sàn để xem đã được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam hay chưa.
Làm gì để phòng tránh?
Để rơi vào bẫy và nguy cơ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Cục An toàn thông tin, các nhà đầu tư nên tìm hiểu về hệ thống bảo mật, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch và công ty trực tuyến. Theo đó, hãy tìm hiểu về hệ thống bảo mật và cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của người dùng.
Đồng thời, có thể tham khảo đánh giá từ người dùng khác để tìm hiểu và đánh giá về trải nghiệm của họ với sàn giao dịch hoặc công ty. Người dân cũng cần phải cảnh giác với mức phí và chi phí, đặc biệt cần cẩn trọng với các khoản phí và chi phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.
Các lời mời giới thiệu cũng là một mối nguy hại đến từ các đối tượng lừa đảo. Hãy cẩn trọng khi người khác đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư mà chưa có thông tin gì rõ ràng. Nếu nhà đầu tư không chắc chắn về một sàn giao dịch hoặc công ty, hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia tài chính hoặc luật sư để tham khảo.
"Lưu ý rằng việc nhận diện và phòng ngừa lừa đảo là rất quan trọng. Hãy luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực", Cục An toàn thông tin khuyến cáo.