Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình một số nội dung trước Quốc hội
Tại phiên thảo luận toàn thể về KT-XH tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã lựa chọn 3 vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm để giải trình.
Nợ thuế có khả năng thu hồi giảm 14%
Trước tiên là công tác quản lý thu, chống thất thu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng thu NSNN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2018, cơ quan Thuế đã thực hiện 95,94 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế; kiến nghị xử lý thu hồi nộp về NSNN gần 19 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ 40,9 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan thực hiện 6,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan; phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ 15,54 nghìn cuộc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chính vì thế, số nợ đọng thuế 2018 đã giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với thu NSNN. Riêng số nợ thuế có khả năng thu giảm từ 45 nghìn tỷ đồng năm 2017 xuống 38,75 nghìn tỷ đồng năm 2018, tương ứng giảm 14% và bằng 2,7% tổng thu NSNN.
Số nợ thuế không có khả năng thu hồi là 35,57 nghìn tỷ đồng, tăng 5 nghìn tỷ đồng so với 2017 và chiếm 49,2% tổng nợ. Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất, doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, không còn tài sản để thu hồi nhưng chưa được xóa nợ và vẫn phải chịu phạt chậm nộp 0,03%/ngày nên số nợ tăng lên. Theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết về xóa nợ đọng thuế và đã báo cáo bước đầu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu không có gì thay đổi sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới đây.
Dự án thu đã được điều chỉnh hợp lý hơn
Vấn đề thứ 2 là việc số thu từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 không đạt dự toán, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan, mặc dù kinh tế khởi sắc song hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn. Năm 2018 có 131,3 nghìn DN thành lập mới song cũng có gần 107 nghìn DN tạm ngừng hoạt động và giải thể.
Hơn nữa, các DN mới thành lập chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, được hưởng ưu đãi thuế nên đóng góp vào số thu NSNN không nhiều. Số DN hoạt động có lãi chiếm 40% tổng số DN đã nộp tờ khai thuế. Số DN phát sinh thuế GTGT dương (đầu ra lớn hơn đầu vào) chỉ chiếm 26% tổng số DN kê khai. Một số DN có số thu lớn thì trong năm 2018 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm so với năm trước như nhóm DN khai khoáng, khai thác dầu thô, khai thác khí đốt tự nhiên và sản xuất điện thoại di động.
Về chủ quan, dự toán thu cao hơn khả năng thực tế. So với thực hiện năm 2017, dự toán thu của khối DNNN tăng 13,1%, thu từ khu vực FDI tăng 30,1%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%; trong đó tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại chỉ là 11%.
Từ đây, chúng tôi đã rút kinh nghiệm trình Quốc hội dự toán NSNN năm 2019 ở mức phù hợp hơn; tăng 7,7% so với năm 2018, trong đó khu vực DNNN bằng mức thực hiện 2018, khu vực FDI tăng 13,4% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%.
Thực tế 5 tháng năm 2019, tổng thu NSNN đạt 44,5% dự toán và tăng 13% so với cùng kỳ. Tiến độ thu của 3 khu vực nói trên đạt 41,1% dự toán, xấp xỉ tiến độ bình quân của các khoản thu nội địa (43,2%), tất cả tăng 12,9% so với cùng kỳ. Có 53/63 địa phương đạt tiến độ dự toán, 57/63 địa phương thu cao hơn cùng kỳ 2018.
Như vậy, vấn đề xây dựng dự toán đã phù hợp hơn. Kết quả thực hiện 5 tháng cho thấy dự toán cũng khá sát và được điều chỉnh một bước.
Phải xử lý nhiều vướng mắc khi dùng tài sản thanh toán dự án BT
Một nội dung nữa là việc xây dựng Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Phương thức đầu tư theo hình thức BT đã được thực hiện thực tế trước khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc xây dựng Nghị định sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT đặt ra yêu cầu phải xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và khắc phục những tồn tại, hạn chế tiêu cực trong thời gian vừa qua.
Chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt để vừa đảm bảo mục tiêu chặt chẽ, đúng pháp luật, vừa đảm bảo không hồi tố đống thời phải xử lý, giải quyết hài hòa lợi ích như trên.
Trong quá trình soạn thảo phát sinh một số khó khăn vướng mắc. Trước tiên là nguyên tắc ngang giá khi sử dụng tài sản công để thực hiện thanh toán cho dự án BT. Nguyên tắc ngang giá đã được quy định tại Luật nhưng thực tế, một số hợp đồng BT đã ký kết trước ngày Luật có hiệu lực thi hành không đảm bảo nguyên tắc này. Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT. Đây là khó khăn rất lớn, đòi hỏi phải xử lý phù hợp để quy định vào Nghị định.
Thứ hai, là pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu, vừa đấu giá với cùng một dự án dẫn đến khó thực hiện.
Thứ ba, giá đất xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật là xác định theo giá thị trường. Song thực tế, đa số giá được xác định thấp hơn thị trường trong điều kiện giá đất có đặc điểm riêng là xu hướng tăng sau quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng.
Thứ tư, theo quy định về đấu giá, việc đấu giá chỉ thực hiện được với đất “sạch”, tức là đã giải phóng mặt bằng. Quỹ đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng thì chưa đủ điều kiện đưa ra đấu giá cũng là vướng mắc lớn.
Ngay khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán dự án BT sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Từ đó đến nay, Văn phòng Chính phủ đã gửi lấy ý kiến thành viên Chính phủ 3 lần. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã họp với các bộ, ngành, địa phương; thường trực Chính phủ cũng đã họp 2 lần để thảo luận, cho ý kiến, hướng xử lý, hoàn thiện dự thảo và Chính phủ cũng đã họp 1 lần để trao đổi, thống nhất nội dung quan trọng đưa vào dự thảo.
Về phía Bộ Tài chính, đã có 10 lần báo cáo, tiếp thu giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị định. Đến nay, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành văn bản này.