Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm


Tại phiên thảo luận tại Tổ sáng ngày 22/5/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu làm rõ nhiều vấn đề về tài chính – ngân sách được các đại biểu Quốc hội quan tâm như: bội chi ngân sách, chống chuyển giá, phân bổ ngân sách địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ sáng ngày 22/5/2019.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ sáng ngày 22/5/2019.

Đi đúng hướng trong việc giảm bội chi ngân sách

Làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang đi đúng hướng trong việc giảm bội chi ngân sách.

Theo đó, năm 2016 bội chi ngân sách là 248.000 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP (chưa bao gồm vay để trả nợ gốc đến hạn là 70.000 tỷ đồng và trái phiếu công trình là 46.000 tỷ đồng).

Đến năm 2017, tỷ lệ bội chi đã giảm xuống còn 2,74% GDP (khoảng 136.000 tỷ đồng khi đã tính cả trái phiếu).

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tái cơ cấu lại thu chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên. Trong đó, biện pháp giảm chi thường xuyên hiệu quả nhất là sắp xếp bộ máy, xã hội hóa các lĩnh vực lớn như giáo dục, y tế.

Chống chuyển giá từ khâu đầu tư

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện 95.940 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước 19.000 tỷ đồng, giảm lỗ 40.900 tỷ đồng liên quan đến chuyển giá của doanh nghiệp FDI.

Trước đó, năm 2017, cơ quan thuế cũng giảm lỗ 37.000 tỷ đồng, chủ yếu liên quan doanh nghiệp FDI, xử lý thu hồi 32.000 tỷ đồng nợ đọng thuế của năm 2017 chuyển sang.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá là thanh kiểm tra trong khâu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, vấn đề đáng lo ngại hơn là việc thanh kiểm tra doanh nghiệp trong quá trình đầu tư.

Hàng năm, số vốn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam rất lớn nhưng chưa có cơ quan thực hiện kiểm soát số đăng ký, giải ngân tương ứng với giá trị thật mà doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Xem xét lại việc phân cấp ngân sách cho các địa phương

Về việc điều tiết ngân sách của một số địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cuối năm 2016, đầu năm 2017 khi quyết định giảm tỷ lệ ngân sách TP. Hồ Chí Minh được giữ lại từ 23% xuống còn 18% đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên, những khoản TP. Hồ Chí Minh chỉ thu hộ Trung ương thì sau khi thu phải điều tiết về như khoản thu liên quan đến dầu thô, xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng bày tỏ sự băn khoăn về tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Theo đó, trước đây tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh chiếm 27-28% của cả nước hiện nay giảm xuống còn 23-24%. Trong khu vực Đông Nam Bộ, đóng góp của TP. Hồ Chí Minh cũng giảm.

Từ đó, đóng góp cho ngân sách cả nước cũng giảm theo từ 25-27% xuống 21-22%. Số tuyệt đối thu có tăng, nhưng tốc độ tăng so với cả nước đang chậm lại. Do đó, Bộ trưởng cho rằng cần đánh giá lại vai trò đầu tàu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét lại việc phân cấp ngân sách cho các địa phương.