Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Chính sách tài khóa chủ động, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”

Theo Minh Anh/thoibaotaichinhvietnam.vn

Trả lời phỏng vấn báo chí về điều hành chính sách tài khóa trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã và đang tập trung kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp về điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ổn định, chủ động kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống COVID-19. TBTCVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa Bộ trưởng, được biết trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt yêu cầu đề ra. Việc đạt kết quả thu ngân sách tích cực có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong 6 tháng đầu năm nay, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Kết quả thu NSNN tích cực, đạt yêu cầu đề ra, theo đó, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%.

Đây là thành quả rất ý nghĩa, là chỉ tiêu tổng hợp đánh giá sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, từ ngày 28/4, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến thu NSNN có dấu hiệu giảm xuống. Theo đó, tháng 5/2021, thu NSNN giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tháng 6/2021 thu ngân sách giảm 14 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Tình hình này đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tài khóa, đặc biệt ảnh hưởng đến chi ngân sách.

Tuy gặp nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát nhưng nguồn thu ngân sách đảm bảo tích cực đã tạo dư địa tốt để điều hành ngân sách. Tính đến thời điểm này, Bộ Tài chính đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho công tác chống dịch. Đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về giãn tiền thuế, tiền thuê đất; ban hành thông tư tiếp tục giảm phí, lệ phí...

Có thể nói, việc đảm bảo thu ngân sách những tháng đầu năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Đại dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, xin Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện các giải  pháp gì để vừa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện được các mục tiêu Chính phủ đặt ra, cũng như thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực triển khai quyết liệt, kịp thời những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, điều hành nêu tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 và các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính khẩn trương triển khai nhiều giải pháp về điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ổn định, chủ động kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Một số công việc nổi bật như, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Đồng thời, Bộ Tài chính tập trung triển khai một loạt các giải pháp về thu ngân sách, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khoản thu ngân sách đang còn có tiềm năng, như: thu trên nền tảng số, thương mại điện tử…, đảm bảo cho điều hành chính sách tài khóa một cách tốt nhất.

Nguồn: Bộ Tài chính                         Biểu đồ: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Biểu đồ: Hồng Vân

Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thực hiện giảm 30 loại phí, lệ phí đến hết năm 2021. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trước đại dịch COVID-19 với trị giá 26 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đang tích cực, chủ động nghiên cứu gói hỗ trợ thứ hai để đảm bảo trong ngắn hạn hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

PV: Thưa Bộ trưởng, Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 đã và đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân và doanh nghiệp. Bộ Tài chính làm thế nào để đảm bảo quỹ này được chi đúng, minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 được thành lập ngày 26/5/2021 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi có quyết định thành lập, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, hạch toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, trong đó đã quy định các khoản ủng hộ của các tổ chức, DN được tính vào chi phí hợp lệ được trừ khi xác định thuế thu nhập DN.

Bộ Tài chính đã thành lập ngay BQL Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 đặt tại Kho bạc Nhà nước và mở tài khoản ngay để tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời, công khai số tài khoản và số điện thoại để hướng dẫn thuận lợi nhất cho người ủng hộ chuyển tiền. Tính đến 17 giờ ngày 15/7, quỹ đã thu được 8.133 tỷ đồng và hiện đã chi từ quỹ 2.500 tỷ đồng mua vắc xin.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính xác định, NSNN vẫn đóng vai trò chủ đạo và là chủ yếu, còn quỹ hỗ trợ thêm trong việc mua vắc xin để phòng, chống COVID-19 cho người dân.

Bộ Tài chính xác định trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch và sử dụng Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất. Thông tư số 41/2021/TT-BTC đã quy định rất rõ về vấn đề này. Khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ cấp ngân sách cho Bộ Y tế, Bộ Y tế chịu trách nhiệm mua vắc xin và tiêm cho người dân. Sau đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm gửi hồ sơ cho Bộ Tài chính để Bộ Tài chính công khai trên Cổng thông tin của Bộ và Kho bạc Nhà nước. Bộ Tài chính đảm bảo quỹ được chi minh bạch nhất, khách quan nhất và đảm bảo hiệu quả. Chẳng hạn khi quỹ có số dư, Bộ Tài chính tổ chức đấu thầu để gửi tiền bảo toàn quỹ, khi quỹ chưa sử dụng thì gửi vào các ngân hàng thương mại để giữ đảm bảo tiền gửi. Khi có quyết định cấp tiền ra thì Bộ Tài chính rút tiền ra và cấp cho Bộ Y tế kịp thời để bảo toàn vốn và đảm bảo cho việc thực hiện sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

Ưu tiên chi phòng, chống dịch COVID-19


Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng. Tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng,.

Bộ Tài chính tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc xin tiêm phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ: bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020; thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngày 30/6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Trong đó có 5,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang và 2,55 nghìn tỷ đồng từ nguồn huy động của Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19.