Bộ trưởng Bộ Tài chính và bài toán thu ngân sách
(Tài chính) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ về các giải pháp cân đối ngân sách và quản lý giá trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 07/12.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sở dĩ năm nay có tín hiệu thu ngân sách đảm bảo đúng tiến độ, theo chúng tôi là bởi các nguyên nhân sau: Các ngành, các cấp đã thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01 của Chính phủ, về tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà phát triển kinh tế. Đây là việc làm đồng bộ, kịp thời từ trên xuống dưới.
Trong quá trình điều hành việc thực hiện chính sách tài khóa triệt để tiết kiệm chủ động phối hợp với các ngành, các cấp để quản lý thu, chi ngay từ đầu năm. Ngoài ra, toàn ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường chống buôn lậu gian lận thương mại.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện triệt để những cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng là tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, kinh tế năm 2014 có nhiều tín hiệu đáng mừng như tăng trưởng đạt 5,8%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng khá cao cũng tạo điều kiện tăng thu ngân sách Nhà nước.
Như Bộ trưởng vừa cho biết tình hình thu ngân sách năm nay của đất nước là khả quan. Tuy nhiên, giá dầu thế giới đã giảm liên tục đến hơn 30% trong 6 tháng qua. Ước tính là nếu giá 1 thùng dầu thô giảm 1 USD thì ngân sách chúng ta sẽ giảm đi 1.000 tỷ đồng. Xin Bộ trưởng cho biết việc ứng phó với sự hụt thu ngân sách như thế nào khi giá dầu chưa có dấu hiệu ngừng đà giảm đó?
Trước tình hình đó, trong 2 tháng qua, Bộ Tài chính liên tục theo dõi, cập nhật tình hình, diễn biến giá dầu thế giới và liên tục phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển là vấn đề căn cơ nhằm tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, nghiên cứu các phương án và kết hợp điều hành có hiệu quả về các giải pháp công cụ tài chính, thuế, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện kỷ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm theo dõi chủ động điều hành ngân sách nhà nước linh hoạt; phối hợp với các ngành tham mưu cho Chính phủ, tính toán đẩy nhanh lộ trình quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường; tham mưu cho Chính phủ điều hành sản xuất, khai thác dầu thô năm 2015 để đảm bảo có thu cho ngân sách nhà nước và hiệu quả trong khai thác dầu.
Một người dân nhận định giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm liên tiếp 10 lần với tổng mức giảm đến gần 5.400 đồng/lít. Tuy nhiên, một số hãng taxi chỉ giảm vài trăm đồng/km trong khi vận tải đường dài cũng chỉ giảm giá cước vài nghìn đồng. Bộ trưởng nhận định thế nào về mức giảm giá từ 2-11% của các hãng vận tải?
Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tiến hành thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải tại một số địa phương. Qua đó cho thấy chi phí cấu thành giá vận tải bao gồm rất nhiều loại: xăng, dầu, khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhân công, cầu đường, bến bãi… Trong đó, chi phí nhiên liệu đối với xe chạy xăng chiếm từ 25-35%, đối xe chạy dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.
Do đó, nếu tính riêng tác động của việc giảm giá nhiên liệu và cố định các yếu tố khác, mức giảm hiện nay của các hãng vận tải từ 5-8% là tương đối hợp lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình này, nhưng trước mắt mức giảm này là tương đối hợp lý.
Trước thực trạng giá cước giảm chậm, thậm chí còn chưa giảm giá cước của các hãng vận tải trong khi giá xăng đã giảm sâu. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm chính thức của Bộ Tài chính là như thế nào trước đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá?
Trước hết, việc điều hành quản lý giá phải theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã có Luật giá và theo đó, giá cước vận tải không nằm trong danh mục bình ổn về giá. Hơn nữa, có rất nhiều hãng vận tải đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Điều này thể hiện qua việc có nhiều hãng đã hạ giá rất thấp để cạnh tranh với nhau.
Như vậy, chúng tôi cho rằng trước mắt chưa cần bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá.
Thưa Bộ trưởng, lạm phát năm nay được dự báo không quá 4%. Đây là mức thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đầu năm 7% và được xem là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Vậy lạm phát thấp như vậy có đáng lo ngại không?
Theo tôi, mức lạm phát này không đáng lo ngại, mà là tín hiệu đáng mừng. Bởi lạm phát thấp sẽ thúc đẩy doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điều đó thể hiện rằng chúng ta đã điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, quý sau tăng hơn quý trước và cùng kỳ năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong năm nay, tăng trưởng kinh tế của chúng ta có thể vượt mức 5,8%.
Rõ ràng trong thời gian vừa qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và việc điều hành chính sách tiền tệ cũng linh hoạt, đi đúng hướng, điều hành giá cả đúng quy luật và tín hiệu thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm trước là mức 11,1%, nghĩa là cầu vẫn đang rất tốt.
Chúng tôi cho rằng hiện tại lạm phát thấp chưa phải là điều đáng lo, mà ngược lại có thể coi là điều đáng mừng, cần tiếp tục phát huy.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!