Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Các ngành, địa phương phải trực tiếp vào cuộc chống buôn lậu
(Tài chính) Chiều 13/7/2014, Đoàn công tác của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về một số nội dung liên quan đến quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) và công tác phòng, chống chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Vẫn phụ thuộc ngân sách trung ương
Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng (GDP) trên địa bàn tỉnh đạt 7,8%, giá trị sản xuất công nghiệp của 3 khu vực kinh tế tăng cao so với cùng kỳ: nông, lâm nghiệp tăng 4,6%, sản xuất công nghiệp tăng 10,2% và dịch vụ tăng 7,4%. Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt trên 3.648 tỷ đồng, bằng 55,28% so với dự toán địa phương giao và tăng 7,0% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Qua báo cáo kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách của tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để đạt kết quả thu 6 tháng đầu năm; tuy nhiên, thực tế thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt thu cân đối so với nhu cầu chi địa phương còn thấp; tốc độ tăng thu của tỉnh còn hạn hẹp, trong khi phải giải quyết rất nhiều các khoản chi cho an sinh xã hội, các đối tượng chính sách… nên vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của ngân sách trung ương.
Với đặc thù Quảng Bình là địa phương có 116 km bờ biển và 201 km đường biên giới (trong đó có 5 huyện và 8 xã biên giới), do điều kiện ngân sách khó khăn, hàng năm nguồn kinh phí bố trí để phục vụ công tác an ninh biên giới còn rất hạn chế, do đó tỉnh đề nghị Bộ Tài chính quan tâm hỗ trợ kinh phí cho địa phương để phục vụ công tác an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất Bộ Tài chính tạo điều kiện tạm ứng vốn cho việc xây dựng một số dự án trọng điểm của tỉnh như: Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy Quảng Bình (do xây dựng từ 20 năm nay đã hư hỏng, xuống cấp); Trung tâm Văn hóa của tỉnh (do xảy ra hỏa hoạn lớn vào tháng 4/2013 làm hư hỏng hoàn toàn); Dự án Cầu Nhật Lệ 2 là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất vay với vốn vay ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trồng thủy sản 300 tỷ đồng (hiện đã được bố trí 80 tỷ đồng)…
Cần giải pháp tăng thu bền vững
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, thực tế Bộ Tài chính thời gian qua đã tạo nhiều điều kiện bổ sung cân đối ngân sách đối với tỉnh Quảng Bình để thực hiện một số nhiệm vụ an sinh-xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, tình hình kinh tế những tháng còn lại của năm 2014 vẫn còn những diễn biến phức tạp, khó lường; số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn…
Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính-ngân sách, Bộ trưởng yêu cầu, tỉnh cần có giải pháp tăng thu từ các nguồn thu bền vững, tập trung tháo gỡ khó khăn, áp dụng cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển SXKD theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, và sức cạnh tranh;
Tăng cường công tác chỉ đạo thu, thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế; Tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm…
Cho ý kiến về một số đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, với tình hình ngân sách còn khó khăn, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh chọn một công trình đầu tư trọng điểm đó là Trung tâm Văn hóa của tỉnh để phục vụ các nhu cầu hội nghị, còn trụ sở UBND tỉnh chỉ nên cải tạo, nâng cấp lại nhằm tiết kiệm cho NSNN.
Đối với dự án cầu Nhật Lệ, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh lập báo cáo cụ thể để Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến bố trí vốn, tiến hành đầu tư tập trung dứt điểm.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; tổ chức, cá nhân (gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác thủy sản.
Theo đó, khi đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), đối với tàu vỏ thép chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, NSNN cấp bù 6%/năm; đóng mới tàu vỏ gỗ chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, NSNN cấp bù 4%/năm...
Với những ưu đãi này, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình thực hiện hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền tổ quốc.
Các ngành, địa phương phải trực tiếp vào cuộc chống buôn lậu
Buôn lậu đã trở thành tệ nạn nhức nhối
Trước báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình về thực trạng diễn biến tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại địa phương vẫn còn khá phức tạp. Hàng hóa vi phạm được vận chuyện chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng có giá trị, thuế suất nhập khẩu cao, lợi nhuận chênh lệch lớn như gỗ, động vật hoang dã, vải, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, đồ điện tử… với thủ đoạn tinh vi và luôn có phương án đối phó với hoạt động kiểm tra, kiếm soát của các cơ quan chức năng. Do đó, Bộ trưởng nêu rõ, cần phải phòng ngừa, tạo điều kiện môi trường sản xuất kinh doanh trong nước thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu HĐND, UBND tỉnh bám sát Chỉ đạo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại 127/TƯ chỉ đạo các đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh như: Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường phối hợp với Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường hàng hóa, giá cả, dự báo và chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát giá cả hàng hóa và tổ chức triển khai chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
“Ban chỉ đạo không có nghĩa là đi làm thay cho các đơn vị, địa phương, mà các ngành, địa phương phải trực tiếp vào cuộc. Buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại là một trong những nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế. Do đó, tỉnh phải có chủ trương sát sao để làm sao huy động sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới mới có thể giảm được thực trạng này”, Bộ trưởng khẳng định.