Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp tục được giới thiệu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính
Sáng ngày 27/7, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, các ĐBQH đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên của Chính phủ.
Theo tờ trình của Thủ tướng, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ nguyên cơ cấu, số lượng như Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, có 27 thành viên gồm: Thủ tướng Chính phủ, 5 Phó Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 1 Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) và 21 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Theo đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV tiếp tục được giới thiệu giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Ngoài ra, còn có 16 bộ trưởng của các bộ: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Bốn thủ trưởng cơ quan ngang bộ gồm: Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 27 thành viên.
Cơ cấu này được kế thừa từ các nhiệm kỳ Chính phủ trước đây, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.
Việc phân công 5 Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo 5 nhóm lĩnh vực như dự kiến trong Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành có sự chuyên sâu, tạo điều kiện để Chính phủ vừa tập trung vào các vấn đề mang tính chiến lược, vừa ứng phó kịp thời với những tình huống, công việc đột xuất phát sinh trong điều hành kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực của đất nước.