Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tân Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam
Chiều 27/7/2023, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi tiếp và làm việc với ông Shantanu Chakraborty – tân Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhân dịp ông đến nhận nhiệm vụ mới.
Phát biểu mở đầu buổi tiếp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng chào đón ông Shantanu Chakraborty - tân Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cùng Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, ADB là đối tác phát triển quan trọng đối với Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng. Ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả của ADB trong thời gian qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, nguồn vốn của ADB cùng với các nguồn vốn vay khác của các tổ chức tài chính đa phương, các đối tác song phương đã hỗ trợ quan trọng cho Việt Nam để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển.
ADB là nhà tài trợ lớn của Việt Nam trong lĩnh vực vay, viện trợ các dự án đầu tư công. Tính đến tháng 7/2023, ADB và Việt Nam đã ký kết 190 Hiệp định vay, viện trợ với tổng giá trị 13,3 tỷ USD cho các chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, y tế và giáo dục, nước và hạ tầng đô thị, nông nghiệp và tài nguyên, năng lượng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đánh giá cao kinh nghiệm của ADB trong việc hỗ trợ cải cách chính sách, thể chế trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý thuế, cải cách doanh nghiệp nhà nước… và mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ kỹ thuật của ADB về các lĩnh vực này trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, các ưu tiên hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam trong khuôn khổ Chiến lược Đối tác Quốc gia mới (CPS) tương đối phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
“Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục trao đổi, hợp tác để giải quyết những vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là các dự án gắn mới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng nêu rõ, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cần một nguồn lực tài chính rất lớn. Cùng với những nỗ lực huy động các nguồn thu trong nước, Bộ Tài chính trân trọng và mong muốn huy động thêm các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, trong đó có ADB. Bộ Tài chính đề nghị ADB sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ để Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn vốn với mức độ ưu đãi cao nhất. Tuy nhiên, việc huy động vốn cho các dự án phải tuân thủ pháp luật trong nước, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng mong muốn ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam và Bộ Tài chính trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án đảm bảo hài hòa quy định của hai bên, tuân thủ pháp luật của Việt Nam cũng như quy định của ADB, thúc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để có thể đàm phán, ký kết các khoản vay cho dự án đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt sử dụng vốn vay ADB; giúp Việt Nam tìm kiếm các nguồn viện trợ không hoàn lại để giúp làm "mềm" khoản vay.
Đáng chú ý, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị ADB phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đánh giá những vướng mắc trong việc vay vốn để tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy quá trình chuẩn bị dự án, đàm phán và giải ngân đối với các dự án đang triển khai.
Thay mặt đoàn công tác, tân Giám đốc Quốc gia ADB Shantanu Chakraborty tại Việt Nam cảm ơn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng như Bộ Tài chính đã dành thời gian tiếp đón chu đáo ông cùng các cộng sự. Đồng thời, ông Shantanu Chakraborty bày tỏ niềm tự hào khi đã gây dựng được mối quan hệ hợp tác 30 năm với Chính phủ Việt Nam.
Theo ông Shantanu Chakraborty, ADB đã xây dựng Chiến lược CPS cho Việt Nam trong giai đoạn 2023-2026. Trong đó, Chiến lược có mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện, xanh và do khu vực tư nhân dẫn đầu ở Việt Nam. Cùng với đó, xây dựng nền tảng để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Ông Shantanu Chakraborty khẳng định: “Chiến lược này của ADB rất hài hòa với những mục tiêu phát triển của Việt Nam. Chúng tôi luôn mong muốn và cam kết sẽ triển khai nhanh chóng, hiệu quả Chiến lược Đối tác Quốc gia của ADB với Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho khu vực tư nhân của Việt Nam.”