Bộ Xây dựng: Giá bán các dự án bất động sản tăng cao

Minh Vân

Theo Bộ Xây dựng, giá bán các dự án bất động sản trong thời gian gần đây đều có xu hướng tăng cao. Trong đó, giá chung cư liên tục tăng, căn hộ nhà ở xã hội qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng giá, vượt qua khả năng chi trả của người dân.

Việc tập trung phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền được đánh giá là vô cùng cấp thiết. Ảnh: VGP
Việc tập trung phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền được đánh giá là vô cùng cấp thiết. Ảnh: VGP

Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý I/2024, giá chung cư bị đẩy lên cao, giá chào bán phân khúc này liên tục tăng trên thị trường sơ cấp và mua đi bán lại. Trong đó, nhiều dự án rao bán trên 60 triệu đồng, thậm chí hơn 150 triệu đồng mỗi m2. So với năm 2019, chung cư đầu năm nay đã tăng giá gần 40%. Có những dự án đã sử dụng 5 - 10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ bị đẩy giá khá cao.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV chiều ngày 20/5, trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Nhiều phân khúc có dấu hiệu tăng giá trở lại, như chung cư ở trung tâm hay vùng ven Hà Nội đều cao đột biến. Thậm chí, căn hộ nhà xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng giá, ngoài khả năng chi trả của người dân.

Nguyên nhân được chỉ ra là nguồn cung chung cư tại Hà Nội thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây. Trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt các gia đình trẻ còn rất lớn. Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến chung cư sơ cấp và thứ cấp bị đẩy giá lên cao, người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận.

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, ông Thanh cho biết tình trạng đẩy giá chung cư "trầm trọng hơn do tình trạng đầu cơ gia tăng".              

Tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, trong năm 2024, thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao. Đặc biệt là vẫn lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội.

Theo Chủ tịch HoREA, trong quý I/2024, Thành phố chỉ có một dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư với diện tích 3.647,4 m2 và chỉ có một dự án (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ.

Đồng thời không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Toàn Thành phố có 62 dự án nhà ở thương mại (dự án cũ) đang triển khai với 28.462 căn hộ.

Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng trong ba tháng đầu năm; chỉ có một dự án nhà ở xã hội (dự án cũ) đã hoàn thành với 242 căn hộ và đang triển khai thực hiện 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (dự án cũ) với 4.996 căn hộ.

Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, giá bán chung cư ngày càng "neo cao", việc tập trung phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền được đánh giá là vô cùng cấp thiết.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024, sớm áp dụng các quy định về chính sách ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội (Luật Nhà ở), quyền thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất đai của dự án nhà ở xã hội (Luật Đất đai).

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội. Phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung, ưu tiên xây dựng, trình ban hành các nghị định hướng dẫn các luật liên quan đến nhà ở xã hội trên tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phụ trách việc thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường. Chủ trì, phối hợp các bộ nghiên cứu, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp, vay vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội đơn giản, thuận lợi hơn.