Bối cảnh và xu hướng vi phạm hành chính trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay

ThS. Trần Việt Hưng

Bài viết này đánh giá thực trạng hệ thống pháp pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu và một số định hướng, yêu cầu hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý chuyên ngành trong thời gian tới.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bối cảnh chung 

Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu, sự phụ thuộc nhau tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Công tác đấu tranh chống các gian lận thương mại được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hiện được nhiều lực lượng chấp pháp áp dụng. Trước yêu cầu mạnh mẽ về đổi mới để đáp ứng chỉ đạo của các cấp về tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động “Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhờ tiềm năng to lớn của chuyển đổi số và sự cải thiện đáng kể của các trụ cột chính để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và thể chế thời gian qua chính là điều kiện để Việt Nam có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ cuộc cách mạng này nếu có chiến lược phát triển đúng hướng, như thương mại điện tử, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, chính phủ điện tử... theo đó giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan phải được số hóa triệt để. Đồng thời đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ ngành có liên quan để điện tử hóa các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn và chất lượng cao, như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP... sẽ tạo điều kiện tiếp cận thành tựu công nghệ sản xuất mới để tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, tạo cơ sở để Việt Nam có thể đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong số các hiệp định được ký kết nhiều hiệp định có liên quan đến lĩnh vực hải quan.

Những đặc điểm nổi bật 

Trong những năm gần đây, tình hình nhập khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến đáng chú ý, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Dưới đây là một số điểm nổi bật:

Thứ nhất, Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong hoạt động nhập khẩu, chủ yếu là nguyên liệu, máy móc thiết bị và các sản phẩm công nghệ cao. Nhập khẩu chủ yếu đến từ các đối tác lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực ASEAN. Một phần lớn nhập khẩu của Việt Nam là nguyên liệu thô và linh kiện phục vụ cho ngành sản xuất, đặc biệt là ngành điện tử, dệt may, và ô tô.

Các sản phẩm này giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến và gia công xuất khẩu. Dù sản xuất trong nước đang phát triển, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam vẫn dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp, hàng hóa công nghệ và các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu. Việt Nam đã ký kết nhiều FTA trong những năm gần đây, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu từ các đối tác thương mại, nhất là từ các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực ASEAN.

Thứ hai, đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến sự chậm trễ trong nhập khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc dẫn đến thiếu nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi và cải thiện tình hình nhập khẩu sau đại dịch. Mặc dù, nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng cũng có những thách thức như việc phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc và các quốc gia khác, có thể ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và giá trị đồng tiền. Việc này cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp sản xuất trong nước để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Thứ ba, xu hướng nhập siêu thường xuyên đe dọa có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước theo nhiều cách: làm gia tăng số lượng ngoại tệ cần thiết để thanh toán các khoản nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt trong cán cân thanh toán, điều này có thể làm giảm dự trữ ngoại hối quốc gia; cung cầu ngoại tệ có thể bị mất cân đối, gây sức ép lên tỷ giá hối đoái. Tỷ giá đồng nội tệ có thể giảm, làm giá trị đồng tiền trong nước yếu đi so với ngoại tệ; có thể dẫn đến việc giảm nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất trong nước, vì hàng hóa nhập khẩu thường rẻ hơn hoặc chất lượng tốt hơn. Điều này có thể làm giảm sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến việc làm; nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nguyên liệu và sản phẩm tiêu dùng, có thể khiến giá cả trong nước tăng lên, đặc biệt khi tỷ giá đồng tiền giảm, làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thứ tư, Việt Nam luôn đối diện với nguy cơ liên quan đến chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các nguy cơ này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, sự phát triển bền vững của nền kinh tế và uy tín quốc gia trong các giao dịch thương mại quốc tế. Nhu cầu sử dụng hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp cùng là nguy cơ tiềm ẩn. Các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia có chi phí sản xuất thấp nhưng chất lượng kém có thể làm giảm giá trị của ngành sản xuất trong nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa.

Thứ năm, sự phức tạp của các quy định pháp lý về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam chủ yếu bắt nguồn từ sự phân tán trong cơ cấu quản lý, các thủ tục hành chính phức tạp, sự thay đổi liên tục của các tiêu chuẩn quốc tế, và thiếu sự đồng bộ trong việc thực thi pháp luật. Để cải thiện tình hình, cần có các biện pháp cải cách hệ thống quy định, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, và nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc áp dụng công nghệ và nâng cao năng lực cho các cơ quan kiểm tra, giám sát.

Xu hướng vi phạm hành chính trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, xu hướng vi phạm hành chính trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu ngày càng trở nên phức tạp và có nhiều biểu hiện mới. Dưới đây là một số xu hướng vi phạm hành chính trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu mà Việt Nam đang đối mặt trong thời gian gần đây:

Các hành vi gian lận thuế:

Khai sai trị giá tính thuế trong quá trình nhập khẩu hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử do khó khăn trong công tác giám sát và kiểm soát giá trị thực tế của hàng hóa; khai báo sai mã HS để lợi dụng mức thuế thấp hoặc thuế suất ưu đãi trong các hiệp định thương mại là một xu hướng ngày càng phổ biến; khai báo sai xuất xứ của hàng hóa, đặc biệt là đối với những mặt hàng có mức thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA); khai báo sai số lượng hoặc chủng loại hàng hóa do các lô hàng nhỏ, phân tán qua các giao dịch trực tuyến hoặc qua các dịch vụ vận chuyển quốc tế.

Các hành vi vi phạm về quản lý chuyên ngành:

Nhập khẩu các hàng hóa không đảm bảo an toàn, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm; hàng hóa không có hóa đơn, chứng nhận xuất xứ hoặc giấy chứng nhận chất lượng của hàng hóa hợp pháp; hàng hóa không đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành; hàng hóa không đạt yêu cầu về xuất xứ và nhãn mác, không rõ nguồn gốc, ghi sai xuất xứ trên nhãn mác; nhập khẩu hàng hóa có tác động tiêu cực đến môi trường như hàng đã qua sử dụng, hóa chất độc hại, động, thực vật không đảm bảo tiêu chuẩn kiểm dịch có nguy cơ lây lan dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp luật quản lý chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu

Nhận thức được cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng Khoa học công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số trên toàn cầu, cùng với xu hướng vi phạm hành chính trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu như: Giả mạo thương hiệu, vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ, trốn thuế, nhập khẩu hàng hóa bị cấm, như vũ khí, chất cấm (ma túy), động vật quý hiếm và phế liệu độc hại; buôn bán hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm, điện tử, đồ chơi và các sản phẩm tiêu dùng khác.

Do đó, cần có những giải pháp tổng thể để nâng cao hiệu lực hiệu quả của pháp luật quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu như: hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đảm bảo thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu như nâng cấp, bổ sung một số chức năng của hệ thống công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu quản lý xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu;

Cùng với đó, cần triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; nâng cao năng lực của công chức hải quan về các quy định liên quan đến kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.

 Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao;

2. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;

3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;

4.Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030;

5.Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu;

6. ổ chức Hải quan Thế giới (2006), Báo cáo về chương trình COLUMBUS của Tổ chức hải quan thế giới.

 Thông tin tác giả:

 ThS. Trần Việt Hưng - Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính

Email: chenhung1975@gmail.com