“Bong bóng” thị trường vàng: Cần “thuốc đặc trị”
Vàng đang có cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo sóng và kéo chênh lệch giá lên cao nếu không có cách “trị” hiệu quả.
“Bắt bệnh” chênh lệch giá vàng quá cao
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh - Người sáng lập kiêm giám đốc Think Future Consultancy, cho biết, vàng đang có cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo sóng và kéo chênh lệch giá vàng lên cao. Thiên thời là giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị. Địa lợi là lãi suất thấp và kênh chứng khoán, bất động sản không còn nóng để hút tiền như năm 2021-2022. Còn nhân hòa chính là tâm lý đám đông đang bị cuốn theo sóng, mà sóng càng cao càng dễ hút tiền.
Theo dữ liệu của Think Future Consultancy về thị trường vàng trong một thập kỷ gần đây, từ năm 2014 đến năm 2020, sau khi đấu thầu vàng năm 2013, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm dần về 0 (từ mức chênh lệch 10%-20% trước đó).
Bước sang giai đoạn 2019-2020, thị trường vàng thế giới chứng kiến thử thách sóng vàng lần 1. Giá vàng thế giới tăng mạnh 55% và giá vàng trong nước tăng theo tương ứng. Tuy nhiên, khi đó, chênh lệch giá vàng vẫn không đáng kể. Theo ông Linh, đây là bằng chứng để phủ định lập luận cho rằng vì có sóng vàng thế giới (như đang xảy ra trong năm 2024) nên người dân tăng nhu cầu mua vàng và kéo tăng chênh lệch.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thực sự hình thành và ngày càng bị nới rộng từ tháng 9/2020. Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2022, giá vàng thế giới dù giảm 10%, giá vàng trong nước vẫn không có động thái giảm theo, trái lại tăng 10%.
Đây là giai đoạn lãi suất thấp khiến chứng khoán, bất động sản tăng nóng và thu hút dòng tiền rất lớn từ giới đầu tư. Đó là thời gian “người người nhà nhà đi mở tài khoản chứng khoán và đi buôn đất”, mà không đi mua vàng. Ngược lại, giới đầu tư rất có thể đã bán vàng để dồn tiền vào chứng khoán và bất động sản. Vậy là chênh lệch giá vàng không phải do sóng vàng thế giới, cũng không phải do nhu cầu mua vàng.
“Chênh lệch giá vàng bắt đầu tăng trong môi trường lãi suất thấp từ cuối năm 2020. Bên cạnh đó, không loại trừ có hành vi thao túng, đẩy chênh lệch giá vàng nhằm trục lợi”, ông Linh chia sẻ.
Chênh lệch giá vàng tăng lên mức cao nhất lịch sử vào tháng 9/2022, cao hơn 42% giá vàng thế giới. Thời gian này, nhằm bình ổn thị trường, phần nhiều nhắc đến 2 đề xuất: Cho phép nhập vàng nguyên liệu để gia công trang sức và phá thế độc quyền vàng miếng SJC. Song, ông Linh cho rằng, cả 2 đề xuất này đều mang lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng hơn cả.
Từ tháng 8/2023 đến nay, giá vàng trong nước và thế giới cùng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, có 2 giai đoạn giá vàng trong nước tăng trong khi giá vàng thế giới đi ngang, nới rộng chênh lệch giá vàng lên 32% và 26%.
“Trong bối cảnh lãi suất thấp, kênh chứng khoán và bất động sản đều trầm lắng, nương theo giá vàng thế giới thì vàng trong nước rất dễ tạo sóng”, đại diện Think Future Consultancy nhận định.
Minh bạch thị trường vàng là liều thuốc hiệu quả
Ngày 29/5, trong phiên làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin, sau 9 đợt đấu thầu vàng gần đây (cung ứng 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng), chênh lệch giá vẫn không được giảm như kỳ vọng. Theo đó, NHNN quyết định dừng đấu thầu, tiếp tục đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân và xây dựng phương án mới bắt đầu triển khai trong tuần tới để giảm được chênh lệch giá vàng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, khi nhận thấy rằng giá vàng trong nước và chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu, việc “trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết.
Trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt cấp thiết để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công an, yêu cầu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng sử dụng hóa đơn điện tử, điều tra hành vi thao túng... Như vậy, sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.
Đối với quyết định dừng đấu thầu vàng, thay vào đó, thực hiện bán vàng trực tiếp cho 04 ngân hàng thương mại nhà nước, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân, ông Linh cho rằng, đây là bước đi đúng đắn của cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ, thao túng thị trường vàng. Động thái tăng cung vàng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu thời gian qua rất có thể tạo cơ hội để giới đầu cơ ôm vàng và bán lại cho người dân giá cao hơn, gây tổn thất đến dự trữ ngoại hối, không giảm được chênh lệch giá vàng mà lại mang lợi cho giới đầu cơ.
“Thông qua các ngân hàng quốc doanh, vẫn tiếp tục bán vàng ra, nhưng đảm bảo minh bạch 100% và trong tầm kiểm soát của NHNN. Bên cạnh đó, lợi nhuận bán vàng vẫn thuộc về Nhà nước, không tiếp tay cho giới đầu cơ”, ông Linh chia sẻ.
Trong bối cảnh NHNN và các cơ quan nhà nước đang rất quyết liệt "trị" chênh lệch giá vàng, lãi suất huy động VND lại đang nhích tăng, bong bóng giá vàng chắc chắn sẽ xẹp bớt. Ông Linh khuyến cáo người dân phải rất tỉnh táo khi mua vàng ở thời điểm này để tránh thua lỗ.
"Nếu thực sự có nhu cầu, người dân có thể đến giao dịch vàng tại 4 ngân hàng lớn, vừa yên tâm về chất lượng, cũng vừa gián tiếp giúp Nhà nước làm minh bạch và bình ổn thị trường vàng", ông Linh chia sẻ.