Bức tranh doanh nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019 - 2023: Tăng trưởng đan xen thách thức

Thu Hường

Trong giai đoạn 2019-2023, doanh nghiệp Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đồng thời cũng bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả và bền vững hơn.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới: Tăng trưởng nhưng chưa ổn định

Theo Sách trắng doanh nghiệp Hà Nội 2024, trong 5 năm qua, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại Hà Nội tăng bình quân 4,82%/năm - cao hơn mức trung bình toàn quốc (3,94%). Giai đoạn này chứng kiến sự sụt giảm trong hai năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch, lần lượt giảm 1,98% và 8,9%. Tuy nhiên, đến năm 2023, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đã phục hồi với mức tăng 9,18%.

Tính đến hết năm 2023, Hà Nội có tổng cộng 138.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm gần 20% toàn quốc, chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi năm có gần 28.000 doanh nghiệp mới ra đời. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 25.020 đơn vị, giảm 5,4% so với cùng kỳ, trái ngược với xu hướng tăng 1,9% của cả nước.

Trong giai đoạn 2019-2023, doanh nghiệp Hà Nội có những bước phát triển đáng ghi nhận, song cũng bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại
Trong giai đoạn 2019-2023, doanh nghiệp Hà Nội có những bước phát triển đáng ghi nhận, song cũng bộc lộ không ít hạn chế, tồn tại

Phân theo ngành kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm ưu thế với 81,26% tổng số doanh nghiệp đăng ký mới năm 2023, trong đó nhóm bán buôn, bán lẻ và sửa chữa xe chiếm đến 36,63%. Các ngành công nghiệp và xây dựng chiếm lần lượt 9,45% và 8,79%, trong khi nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp - chỉ 0,5%.

Về địa bàn, các quận phát triển mạnh như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm ghi nhận số doanh nghiệp thành lập cao nhất, trong khi các huyện ngoại thành như: Ứng Hòa, Sơn Tây, Phú Xuyên nằm ở mức thấp nhất. Mật độ doanh nghiệp mới bình quân toàn thành phố đạt 37,11 doanh nghiệp/vạn dân.

Doanh nghiệp đang hoạt động: Tăng đều nhưng phân hóa rõ rệt

Tính đến cuối năm 2023, Hà Nội có 195.388 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 21,21% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 3,36% so với năm 2022. Trung bình giai đoạn 2019- 2023, số doanh nghiệp đang hoạt động tại Thủ đô tăng 5,87%/năm, cao hơn mức tăng của cả nước (5,21%).

Dịch vụ tiếp tục là lĩnh vực chủ lực với 75,32% số doanh nghiệp đang hoạt động, nổi bật là nhóm bán buôn, bán lẻ và sửa chữa xe với 72.159 đơn vị. Ngành xây dựng và công nghiệp lần lượt chiếm hơn 12% mỗi ngành, trong khi nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,5%).

Xét theo địa bàn, các quận Cầu Giấy, Hà Đông và Hoàng Mai có số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn nhất. Ngược lại, các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa và Phú Xuyên có số doanh nghiệp hoạt động ít nhất. Mật độ doanh nghiệp hoạt động tại Cầu Giấy lên đến 632,2 doanh nghiệp/10.000 dân, gấp gần 18 lần so với Phú Xuyên (34,9 doanh nghiệp/10.000 dân).

Doanh nghiệp rời khỏi thị trường: Xu hướng tăng nhanh và đáng lo ngại

Một thực trạng đáng chú ý là tốc độ gia tăng của doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (bao gồm giải thể và tạm ngừng hoạt động). Giai đoạn 2019–2023, số doanh nghiệp rời hoặc tạm thời rời khỏi thị trường tăng bình quân 24,29%/năm, cao gấp hơn 3 lần tốc độ tăng doanh nghiệp đăng ký mới và quay lại hoạt động (7,02%/năm).

Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui trên tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động cũng tăng mạnh từ 29,44% năm 2019 lên đến 58,79% năm 2023 và 75,77% trong 10 tháng đầu năm 2024. Đây là chỉ báo cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp đang đi xuống và đáng báo động.

Số lượng doanh nghiệp Hà Nội giải thể tăng bình quân 16,93%/năm, trong khi cả nước chỉ tăng 2,03%. Riêng năm 2023, doanh nghiệp giải thể tại Hà Nội chiếm 20,84% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh cũng tăng 26,03%/năm, chiếm khoảng 20% tổng số cả nước.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động: Tín hiệu tích cực nhưng chưa vững chắc

Từ năm 2019-2023, trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 7.850 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 19,78%/năm, cao hơn mức bình quân toàn quốc (11,42%). Tuy nhiên, tỷ trọng doanh nghiệp Hà Nội trong tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động toàn quốc lại có xu hướng giảm từ 22,4% năm 2021 xuống còn 14,68% năm 2023 và tiếp tục giảm còn 12,69% trong 10 tháng đầu năm 2024.

Điều này cho thấy dù có dấu hiệu phục hồi, song niềm tin và khả năng quay lại thị trường của doanh nghiệp vẫn đang bị thử thách.

Đóng góp vào thu ngân sách: Giảm dần tỷ trọng từ sản xuất kinh doanh

Sự gia tăng của doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã ảnh hưởng đến khả năng đóng góp ngân sách, đặc biệt là thu từ sản xuất kinh doanh. Dù giai đoạn 2019-2023, thu từ sản xuất kinh doanh tại Hà Nội vẫn tăng bình quân 9,65%/năm, nhưng tỷ trọng trong tổng thu nội địa lại có xu hướng giảm rõ rệt, từ 50,78% năm 2019 còn 44,75% năm 2023 và tiếp tục xuống 42,87% trong 10 tháng đầu năm 2024. Điều này phản ánh sự suy giảm động lực tăng trưởng từ khu vực doanh nghiệp, lực lượng đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế.

Có thể nói, bức tranh doanh nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2023 là sự đan xen giữa gam màu sáng và tối. Mặc dù Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số doanh nghiệp lớn nhất cả nước, với mức tăng trưởng về thành lập và hoạt động cao hơn bình quân quốc gia, song tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và đóng góp vào ngân sách giảm dần cho thấy nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức. Vì vậy, việc xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, cải thiện khả năng tiếp cận vốn, đổi mới sáng tạo và đơn giản hóa thủ tục hành chính… là những hướng cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

Điều tra doanh nghiệp 2025 trên địa bàn TP. Hà Nội

Năm 2025, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện Điều tra doanh nghiệp (ĐTDN) trên địa bàn. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 01/42025 đến hết ngày 31/7/2025.

Để điều tra doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, Chi cục Thống kê Hà Nội đã triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch đảm bảo theo đúng phương án điều tra. Cụ thể, Chi cục Thống kê TP. Hà Nội triển khai điều tra 221.195 doanh nghiệp, trong đó, số doanh nghiệp điều tra toàn bộ: 199.058 doanh nghiệp, điều tra phiếu mẫu: 22.137 doanh nghiệp.

ĐTDN 2025 tại Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của 199 giám sát viên và 529 điều tra viên.

Các thông tin thu thập trong ĐTDN 2025 sẽ là cơ sở để biên soạn Sách trắng doanh nghiệp Hà Nội 2025, giúp phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội cũng như lập chính sách, kế hoạch phát triển trên địa bàn Thủ đô.