Lợi nhuận ngân hàng:
Bức tranh không sáng như kỳ vọng
Mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm tốt hơn so với những năm trước, nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng hiện nay thừa nhận lợi nhuận không mấy khả quan do phải trích lập dự phòng nợ xấu và chi phí hoạt động tăng cao.
Tín dụng tăng cao nhưng vẫn lỗ
Tổng giám đốc SeABank Đặng Bảo Khánh cho biết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá lớn do tài sản sinh lời không còn cao, trích lập dự phòng rủi ro nhiều, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thấp (khoảng dưới 3%), rủi ro tín dụng cao…
Đặc biệt, hiện lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu dựa vào tín dụng, chiếm từ 70 - 80%, nên mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay thấp sẽ khiến các ngân hàng khó có được lợi nhuận cao.
Theo ông Khánh, mức chênh lệch thấp khiến các ngân hàng không đủ chi phí hoạt động. Đây là lý do khiến nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt nhưng lợi nhuận không cao. Thực tế là nhiều ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, nhưng trong thời gian đầu không có lãi do khuyến mại, lãi suất ưu đãi… Thậm chí, một số ngân hàng còn bị lỗ.
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng không cao như kỳ vọng mặc dù tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu tiên của năm.
“Lý do khiến lợi nhuận ngân hàng không cao là vì biên độ lợi nhuận (chêch lệch giữa lãi suất huy động và cho vay) đang rất thấp. Hiện nay biên độ lợi nhuận trong hệ thống vào khoảng 2,5 - 2,6%, trong khi mức biên độ lợi nhuận tối thiểu để có lãi phải là 3%”, ông Hiếu phân tích.
Biên độ lợi nhuận là tổng thu nhập từ cho vay trừ đi chi phí vốn (tức là lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động ra biên độ lợi nhuận, không tính thêm chi phí nào khác).
Chính vì vậy, với biên độ lợi nhuận thấp như hiện nay, chỉ những ngân hàng có quy mô lớn mới có lãi, còn những ngân hàng quy mô nhỏ, nếu muốn có lãi phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao.
Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận
Bức tranh ngành ngân hàng sẽ là không trọn vẹn nếu không đề cập đến tỷ lệ nợ xấu. Cuối tháng 5, nợ xấu toàn hệ thống ở mức 3,15%, còn tính đến cuối quý I.2015, tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng niêm yết là 2,2%, thấp hơn toàn hệ thống.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2015, công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua vào khoảng 12.737 tỷ đồng nợ xấu, bằng 17% kế hoạch năm 2015, đồng thời thu về khoảng 8.670 tỷ đồng thông qua xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, các ngân hàng còn phải bán thêm hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Như vậy, với tốc độ xử lý nợ hiện tại, các ngân hàng còn nhiều việc phải làm để xử lý dứt điểm nguy cơ từ nợ xấu.
Trong khi đó, sự thay đổi về chính sách đã khiến cho nợ xấu tăng lên, trích lập dự phòng cũng vì thế mà tăng cao. Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) kể từ ngày 12.4.2015.
Cùng với việc áp dụng Thông tư 02 là Quyết định 780 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hết hiệu lực. Theo đó, các ngân hàng phải chấm dứt việc tái cơ cấu các khoản vay dễ dàng mà không cần phải tiến hành phân loại lại nợ và áp dụng xếp hạng tín dụng CIC đối với các khoản vay từ đầu năm. Chính sách này đã tác động tới cả hệ thống ngân hàng.
Ông Khánh phân tích, với việc phân loại nợ theo Thông tư 02, lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng trầm trọng do phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, nuôi tài sản không sinh lời.
“Cụ thể, với 100 đồng cho vay, 3 đồng nợ xấu, ngân hàng sẽ phải huy động được 120 đồng để trang trải chi phí huy động cao, chi phí cho những khoản nợ không sinh lời, khoản nợ xấu không thu hồi được gốc lãi… Những khoản này chiếm khoảng 5 - 6% chi phí hoạt động, chưa kể chi phí dự trữ bắt buộc dự phòng rủi ro, lãi suất huy động đang tăng lên nhưng lãi suất cho vay lại bị kiểm soát”, ông nói.
Thực tế này cũng thấy rõ trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vietcombank. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành thừa nhận, chất lượng tín dụng của Vietcombank đang ở mức đáng lo ngại do “nợ xấu khiến trích lập dự phòng rủi ro gia tăng lớn và lớn nhất từ trước tới nay. Kết quả thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng rất thấp so với kế hoạch được giao”.
Và, mặc dù 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế trước khi trích lập dự phòng của Vietcombank đạt 6.035 tỷ đồng, nhưng sau khi trích lập 2.995 tỷ đồng, lợi nhuận giảm một nửa, còn 3.040 tỷ đồng.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, TS. Trương Văn Phước cũng cho rằng, “để giải quyết nợ xấu, các ngân hàng phải tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro nên lợi nhuận của ngân hàng thấp là đương nhiên. Do vậy, lợi nhuận cao hay thấp phụ thuộc vào tốc độ xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro của từng ngân hàng”.