Tín dụng tăng thấp, lãi thuần ngân hàng vẫn cao

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Chỉ tiêu tín dụng nguy cơ không đạt, thu nhập lãi thuần của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt dù họ lý giải chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hiện thấp kỷ lục.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy chỉ số lãi thuần của phần lớn ngân hàng có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, BIDV dẫn đầu về mức độ gia tăng thu nhập lãi thuần, đạt hơn 7.600 tỷ đồng lãi thuần tính đến cuối tháng 6, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Hai ông lớn còn lại là Vietcombank và Vietinbank cũng có mức tăng lần lượt 8,3% và 6,4%.
 
Với khối ngân hàng cổ phần, giá trị tuyệt đối về thu nhập lãi thuần nhỏ nhưng tỷ lệ gia tăng so với năm trước khá cao. Chẳng hạn TPBank, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm đạt hơn 450 tỷ đồng, tăng tới 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba nhà băng khác là ABBank, SHB và Techcombank cũng có mức tăng thu nhập lãi thuần lần lượt 17,6%, 16,6% và 12,9%. Ngoài ra, nhiều nhà băng khác cũng có sự gia tăng thu nhập lãi thuần ở mức tương đối.
 
BẢNG DỮ LIỆU VỀ TỶ LỆ LÃI CẬN BIÊN VÀ THU NHẬP THUẦN
CỦA CÁC NGÂN HÀNG

hinhdl-jeg-3540-1409169971.gif
Thu nhập lãi thuần là khoản chênh lệch giữa chi phí trả lãi và thu nhập từ lãi. Vì vậy lãi thuần tăng cao trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức ì ạch khiến nhiều người chú ý. 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 3,68%, chưa bằng một phần ba chỉ tiêu cả năm. Ngân hàng Nhà nước lý giải tín dụng tăng chậm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sản xuất kinh doanh chưa khởi sắc nên cầu về vốn cũng yếu.
 
Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank) Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, lãi thuần của một số ngân hàng được tính tổng hợp từ nhiều nguồn chứ không phải chỉ riêng phần cho vay trong 6 tháng qua. "Chẳng hạn như những khoản nợ lãi của thời gian trước đây tồn đọng và giờ ngân hàng mới thu được, cũng là lý do giúp thu nhập lãi thuần tăng", ông nói.
 
Thêm vào đó, ông Hưởng nhận định, năm ngoái nhiều ngân hàng thậm chí chấp nhận biên lợi nhuận âm để cho vay khách hàng tốt, còn giờ thì có cao hơn chút đỉnh nên thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm có phần nhỉnh hơn cùng kỳ năm ngoái là điều dễ hiểu.
 
Ngoài ra, theo lý giải của lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần, tỷ trọng chứng khoán đầu tư (phần lớn là trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc) đều tăng ở hầu hết các ngân hàng, cũng góp một phần vào bức tranh tăng thu nhập lãi thuần. Chẳng hạn như BIDV, 6 tháng đầu năm, ngân hàng này tăng đầu tư vào cả trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp (tăng 27%, chiếm 16% tổng tài sản sinh lãi, tăng so với mức tỷ trọng tương đương năm 2013 là 14%). "Tỷ trọng chứng khoán đầu tư cho phần trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc tại ngân hàng tôi cũng tăng lần lượt là 25% và 30% so với cùng kỳ và mang về khoản thu nhập lãi tương đối lớn", ông nói.
 
Một số người lại nhìn nhận kết quả khả quan về thu nhập lãi thuần cho thấy chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức cao. Một chuyên gia phân tích, thời gian qua lãi suất huy động liên tục giảm, cộng với tài khoản tiền gửi thanh toán và trên thẻ ATM của khách hàng với lãi suất không kỳ hạn... giúp giá vốn huy động bình quân của các ngân hàng thấp, tầm hơn 6% nhưng các nhà băng vẫn cho vay cao 10-11% một năm.
 
"Như vậy, chênh lệch đầu ra - đầu vào của ngân hàng khá cao, trên 4%, trong khi năm ngoái lãi biên này tầm 3-3,5%. Điều này lý giải vì sao từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng rất chậm (3,52%), nhưng ngân hàng vẫn thu lợi nhuận từ tín dụng cao", ông bình luận.
 
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng 6 tháng qua cho thấy thước đo sinh lời thông qua hệ số NIM (tỷ lệ lãi cận biên) có xu hướng giảm đáng kể. NIM được xác định bằng tổng doanh thu từ lãi trừ tổng chi phí trả lãi (thu nhập lãi thuần) trên tổng tài sản có sinh lời bình quân. NIM giảm chứng tỏ rằng mức thu nhập lãi thuần của ngân hàng tuy có tăng lên nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với sự gia tăng của nguồn tài sản có sinh lời.
 
Hiện nay, trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II năm 2014, Sacombank có tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm cao nhất, với 2,33%, tuy nhiên, so với cùng kỳ thì lại giảm nhẹ 0,23%. Hay như TPBank, mặc dù thu nhập lãi thuần tăng vọt nhưng tỷ lệ lãi cận biên lại giảm 0,43%.
 
Ngân hàng Quốc Dân - NCB giảm NIM mạnh nhất, từ 1,56% xuống còn 1,08% do thu nhập lãi thuần không tăng bao nhiêu trong khi tài sản có khả năng sinh lời tăng đột biến.
 
TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên nói trên còn chưa phản ánh hết các chi phí hoạt động (trả lương nhân viên, khấu hao tài sản cố định…) cũng như chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng.
 
Do đó, theo ông Chí, nhìn vào những con số báo cáo thấy thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm ngoái thì nghĩ rằng ngân hàng đang "ăn lãi dày" nhưng thực tế chưa hẳn vậy.
 
Ông Chí lấy ví dụ, trên danh nghĩa, lãi suất cho vay dao động 11% mỗi năm trừ đi lãi suất huy động phổ biến 7%, thì biên lợi nhuận của các ngân hàng là 4%. Với mức này có thể cho ra con số thu nhập lãi thuần khá cao. Tuy nhiên, biên lợi nhuận này không phải là chênh lệch lãi suất mà ngân hàng được hưởng toàn bộ vì nó còn bao gồm rất nhiều chi phí khác.
 
Thực tế, lãi cận biên tạo nên lợi nhuận ở nhiều ngân hàng chỉ duy trì được mức 1-2%. Ông phân tích, khi nhận về 4% chênh lệch lãi, ngân hàng phải có dự trữ bắt buộc với các khoản tiền gửi. Tiếp theo là dự phòng thanh khoản, các phần chi phí khác bao gồm trả cho bảo hiểm tiền gửi. Cộng tất cả lại khoảng 2%. Cộng thêm một số chi phí khác như trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu tiềm tàng khoảng 1% nữa là lên 3%. Như vậy, lãi cận biên thực tế của ngân hàng chỉ còn lại tầm 1%, ông phân tích.
 
"Chính vì vậy, nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần tăng nhưng thực tế lợi nhuận lại thấp là vậy", ông Chí nói.
 
Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng phía Nam cũng bộc bạch, với bối cảnh kinh tế ảm đạm, nợ xấu vẫn đang có dấu hiệu gia tăng thì trong hoạt động tín dụng, chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra phải từ 4% trở lên mới đủ trích lập dự phòng rủi ro và kỳ vọng thu lợi nhuận. Ông cũng tỏ ra lo ngại khi nhìn vào tỷ lệ NIM của nhiều ngân hàng đang có xu hướng thấp và bị thu hẹp, cho thấy lợi nhuận ngân hàng đang bị teo tóp. "Với tình hình hiện nay, ngân hàng tôi rất khó tránh được tình trạng điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận vào quý cuối năm", ông nói.
 
Với thực tế trên, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, vấn đề lớn hiện nay chính là bài toán quản lý, kiểm soát tài sản có sinh lời của ngân hàng chưa hiệu quả, có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt chủ quan là do việc cho vay dễ dãi trước đó dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn lớn; còn về khách quan, kinh tế vĩ mô bất ổn, thị trường bất động sản đóng băng... khiến doanh nghiệp khó khăn, mất khả năng trả nợ.
 
Chính vì nợ xấu diễn biến phức tạp, buộc nhà băng phải tăng chi phí trích lập dự phòng và các chi phí quản lý khác. Để bù đắp cho các khoản chi phí này, ngân hàng không còn cách nào khác là vẫn duy trì chênh chệch lãi suất huy động và cho vay ở mức cao. Việc này khiến các ngân hàng chưa thể mạnh tay giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua. Chỉ trừ vài doanh nghiệp tốt được vay lãi suất 7-8%, còn lại phần lớn khách hàng đều phải vay với mức 10%-12% một năm.
 
Theo chuyên gia này, trong thời gian tới, nếu các nhà băng tiết giảm được chi phí hoạt động, xử lý tốt nợ xấu và giảm trích lập dự phòng rủi ro, thì khả năng co hẹp thêm chênh lệch giữa đầu vào - đầu ra là có thể.
 
Hơn nữa, hiện chỉ số CPI tháng 8 vừa được công bố với mức tăng 0,22% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2014, CPI cả nước chỉ tăng 1,83%, trong khi lạm phát theo năm chỉ là 4,31%. Lãi suất huy động đã được các ngân hàng rậm rịch điều chỉnh giảm mấy tuần qua. "Với những điều kiện này, ngân hàng sẽ có room giảm tiếp lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế", ông kết luận.