Bức tranh lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2014: Thế nào?
(Tài chính) Báo cáo kết quả tài chính năm 2013 của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, đã bị lỗ hoặc sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Nhiều NHTM phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp mạng lưới… để giảm chi phí. Hệ thống NHTM cũng đang bước vào cuộc thanh lọc mạnh mẽ.
Từ kết quả hoạt động của một số ngân hàng
Số liệu công bố trong quý IV/2013 cho thấy, NHTM Cổ phần Xuất - Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lỗ 222 tỷ đồng do lãi thuần trong quý chỉ đạt gần 494 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro lại tăng gấp ba so với cùng kỳ năm trước, ở mức 120 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối quý IV/2013 của Eximbank lỗ gần 230 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2013 lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm mạnh, chỉ bằng dưới 1/3 so với con số 2.851 tỷ đồng của năm 2012. Trong đó, thu nhập từ cho vay, nhận tiền gửi của Eximbank giảm tới 45% so với năm 2012. Lĩnh vực kinh doanh ngoại hối vốn là thế mạnh của Eximbank cũng lỗ tới hơn 113 tỷ đồng. Đây là các khoản lỗ từ kinh doanh ngoại hối và vàng. Thực chất khoản lỗ này có từ giữa năm 2013, khi Eximbank thực hiện đóng trạng thái vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng Eximbank đã treo khoản lỗ này đến cuối năm 2013 mới hạch toán.
Tuy nhiên, đây chưa hẳn là khoản lỗ vì khi bán vàng lấy VND trước đó, Eximbank đã có lãi nhờ chênh lệch lãi suất huy động vàng và VND lên đến 14%-15%/năm và khoản lãi này đã tính vào lợi nhuận những năm trước: 2011-2012. Thực tế, giá vàng trên thị trường giảm mạnh trong thời gian qua nên đem lại rủi ro lớn cho NHTM.
Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tại thời điểm 31/12/2013 tăng lên 2% từ mức 1,3% đầu năm. Đặc biệt, các khoản nợ có khả năng mất vốn tăng 35% so với đầu năm. Vì vậy, lĩnh vực tín dụng cũng làm thâm thủng những khoản lợi nhuận khá lớn cho Eximbank do phải trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời lãi cho vay không thu được, nhưng lãi tiền gửi vẫn phải trả khách hàng.
Một NHTM cổ phần có quy mô lớn hàng đầu khác đó là Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng lỗ gần 293 tỷ đồng trong quý IV/2013 do thu nhập từ lãi vay giảm 45%, kinh doanh ngoại tệ và vàng lỗ 34 tỷ đồng. Hay nói cách khác, hoạt động tín dụng và ngoại hối làm cho ACB bị giảm lợi nhuận rất lớn trong những tháng cuối năm 2013.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2013, lợi nhuận sau thuế của ACB vẫn tăng 5%, đạt khoảng 825 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, dẫn tới trích lập dự phòng rủi ro tăng, thu nhập từ lãi cho vay giảm mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của ACB.
Sacombank cũng là NHTM cổ phần có quy mô lớn, mặc dù đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhưng cũng không tránh khỏi xu thế chung. Dư nợ cho vay của Sacombank tăng mạnh, nhưng thu nhập từ lãi thuần trong quý IV/2013 lại giảm 212,2 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do lãi suất cho vay không còn ở mức cao như năm trước, trong khi nhiều khoản huy động vẫn phải trả lãi cao cho khách hàng gửi tiền. Thực tế năm 2013, lãi suất cho vay đã giảm rất nhiều, chênh lệch lãi suất huy động so với lãi suất cho vay giảm làm lợi nhuận bị ảnh hưởng. Hiện nay, 85% nguồn thu nhập của Sacombank là từ hoạt động tín dụng.
Cũng nằm trong nhóm NHTM cổ phần có quy mô lớn hàng đầu, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2013 là 878 tỷ đồng, giảm 13,7% so với năm 2012.
Nguyên nhận sụt giảm này của Techcombank cũng chủ yếu là từ hoạt động tín dụng. Bởi vì, hết năm 2013, dư nợ cho vay của Techcombank rất khiêm tốn, chỉ đạt mức tăng có 2,95% so với cuối năm 2012, vào loại thấp nhất trong toàn ngành ngân hàng và thấp rất xa so với tỷ lệ chung 10% của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Đặc biệt, tỷ lệ cho vay trên huy động của Techcombank chỉ ở mức 57,31%. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank sụt giảm còn do trích lập dự phòng tăng, trong khi đó các chi nhánh thực hiện chính sách cho vay thận trọng nên dư nợ cho vay tăng không đáng kể. Đến hết năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank được công bố còn 3,65%, giảm mạnh so với mức 5,9% cuối quý III/2013.
…đến bức tranh lợi nhuận chung của toàn hệ thống
Đó là các NHTM cổ phần quy mô lớn được công bố công khai. Còn lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng lũy kế đến hết tháng 11/2013 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, thì đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2012. Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm 2010-2011, thì lợi nhuận trước thuế lũy kế năm 2013 chỉ bằng 53%-64%. Đặc biệt, có tới 17% ngân hàng lỗ trong năm 2013; bên cạnh đó có hơn 100 ngân hàng lãi. Nhìn chung, trong năm 2013 trên 50% số ngân hàng giảm lợi nhuận so với năm 2012. Do tình hình kinh doanh như vậy, nên số nộp thuế cho ngân sách nhà nước cũng sụt giảm mạnh.
Đến hết năm 2013, một số hệ số phản ánh hiệu quả kinh doanh ROA, ROE của các ngân hàng cũng chưa được cải thiện, đều giảm so với năm 2012 khi chỉ đạt lần lượt 0,53% và 5,6%. Nguyên nhân chủ yếu là chênh lệch lãi suất đầu ra, đầu vào giảm mạnh, chi phí dự phòng rủi ro, tập trung là rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay tăng mạnh, trong khi chất lượng dự phòng giảm sút.
Nếu không cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2014, một bộ phận các ngân hàng sẽ chịu áp lực rất lớn về tài chính và không thể tự xử lý được nợ xấu với quy mô lớn bằng nguồn dự phòng và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Nhìn chung, số liệu hầu hết các NHTM công bố lợi nhuận trước thuế hết năm 2013 giảm mạnh không gây nhiều bất ngờ, vì nguyên nhân đã được nhìn thấy trước, khi chi phí vẫn cao, nhưng thu nhập từ lãi cho vay lại giảm.
Chi phí cao do các NHTM phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, bởi nợ xấu tăng, cộng với chi phí lãi suất đầu vào của nguồn vốn huy động vẫn cao của nhiều khoản tiền gửi trước đây; chi phí quản lý và chi phí hoạt động lớn trong khi đó phải giảm lãi suất tiền vay cho khách hàng.
Các chi phí khác, đó là nguồn nhân lực và việc mở rộng mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng. Bởi vì, những năm trước đây các NHTM tuyển dụng nhân viên ồ ạt, đua nhau mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Các chi phí này phải phân bổ cho đến ngày nay, mặc dù không ít NHTM đã giảm biên chế, thu hẹp một số phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả, sáp nhập một số chi nhánh thua lỗ, nhưng bộ máy lớn, cồng kềnh ắt chi phí phải lớn.
Dự báo lợi nhuận năm 2014
Năm 2014, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng là 12%-14% và bảo đảm hoạt động của hệ thống theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các NHTM mở rộng tín dụng có hiệu quả, tác động chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, chỉ đạo các TNHTM tích cực triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các bộ, ngành xử lý các khó khăn, vướng mắc về tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và hợp đồng giao dịch bảo đảm. Các NHTM tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, chủ động triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm...
Cùng với các giải pháp về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, vốn phục vụ tín dụng nông nghiệp, nông thôn, cho vay tái canh cây cà phê... theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế, bảo đảm sự lành mạnh, an toàn hoạt động của hệ thống.
Tuy nhiên, khi năm 2014 đã đi hết ¼ quãng đường, nhiều dấu hiệu cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I/2014, cũng như dự báo 6 tháng đầu năm 2014 vẫn chưa cải thiện. Nguyên nhân là do nguồn thu nhập lớn nhất của các ngân hàng là từ hoạt động tín dụng vẫn còn rất khó khăn, tăng trưởng dư nợ âm. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 13/3/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn -1,5%, nhưng nếu tính từ đầu tháng 3, thì đã bắt đầu có tăng trưởng nhẹ với khoảng 0,12%.
Hơn nữa, do diễn biến của môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nên trong năm 2014, nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành ngân hàng, mặc dù ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước đã phải ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02, ngày 21/1/2013, với những yêu cầu “giảm nhẹ” hơn về phân loại nợ xấu...
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngày 17/3/2014, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống còn 6,5% và hạ trần lãi suất huy động từ 7% xuống 6% từ ngày 18/3/2014. Tuy nhiên, theo nhận định của khối nghiên cứu của ngân hàng HSBC, hành động này cũng không giúp tăng trưởng. Nguyên nhân là do lãi suất đã được đưa về khung hợp lý và tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa. “Vấn đề chính yếu của Việt Nam là nợ xấu, mà phần lớn chúng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo”. Vì thế, HSBC khuyến cáo, trong thời gian ngắn tới, Ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục cắt giảm lãi suất, mà tập trung vào các biện pháp quản trị, tạo sự lành mạnh của thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động của các NHTM./.
Tài liệu tham khảo:
1. HSBC (2014). Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam
2. Vietstock (2014). Chuyên đề Lợi nhuận ngân hàng năm 2013, truy cập từ http://vietstock.vn/chu-de/367/loi-nhuan-ngan-hang-2013.htm
3. Huy Hiếu (2014). Năm vượt khó của nhiều ngân hàng, truy cập từ http://www.tapchitaichinh.vn/Vang-Tien-te/Nam-vuot-kho-cua-nhieu-ngan-hang/41475.tctc