Bước chuyển của dòng vốn ngoại
Việt Nam đang là một trong các điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế với vốn nhà đầu tư nước ngoài tính tại thời điểm tháng 8/2016 đạt 16 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Vậy, đâu là những “động lực kéo” để Việt Nam có thể để giữ vững và tiếp tục thu hút được dòng tiền ngoại vào thị trường chứng khoán (TTCK) cũng như vào nền kinh tế?
Ước tính trong 1 năm trở lại đây, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã cấp 1.482 mã cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Nếu tính bình quân mỗi ngày, Việt Nam đón thêm khoảng 4 nhà đầu tư mới từ bên ngoài lãnh thổ.
Riêng 9 tháng đầu năm 2016, giá trị giao dịch trung bình tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE), giao dịch của khối ngoại đã tăng tới 46% so cùng kỳ năm trước.
Hấp dẫn vốn ngoại
Trong quý III/2016, tại HoSE, khối lượng mua vào của nhà đầu tư ngoại đã đạt 25.198 tỷ đồng. Nếu trong quý II/2016, tỷ trọng giá trị mua vào của nhà đầu tư ngoại chiếm 13,36% thì đến quý III/2016 tỷ trọng này đã tăng lên, chiếm 15,51%.
Trao đổi với giới đầu tư tại HoSE ngày 16/11 để nói về “bước chuyển của dòng vốn ngoại”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch quỹ Dragon Capital - quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất TTCK Việt Nam, cho rằng dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên tự hào về những gì đã đạt được trong 16 - 20 năm qua. Nếu chưa được như mong muốn, chúng ta nên học cách kiên nhẫn.
Theo ông Dominic, các chỉ số TTCK rất quan trọng và các nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm tới vấn đề này bởi nó liên quan đến việc quản trị rủi ro. Rất mừng là Việt Nam đang thiết lập một bộ chỉ số toàn diện, điển hình như VN Allshare.
Mục đích khi xây dựng các chỉ số là hướng dẫn cho các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro. Theo kinh nghiệm của Dragon Capital, đây là vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất. Nếu không có chỉ số chuẩn, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy thiếu thông tin và thiếu minh bạch.
Được biết, trong một báo cáo mới đây của một quỹ đầu tư của châu Âu là Quilvest Wealth Management có nhận định về sự hấp dẫn của Việt Nam đến từ các yếu tố như tăng trưởng GDP cao, ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng đang phát triển và cải cách kinh tế đang dần đi đúng hướng.
Đặc biệt là các cơ hội đầu tư từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, do các nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm đầu tư thành công vào hoạt động tư nhân hóa tại các quốc gia đang phát triển khác.
Theo Quilvest, Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng khi GDP tăng 6,4% trong quý III/2016, cao hơn mức tăng của 2 quý đầu năm nay. Sản xuất trong nước trong 10 tháng 2016 tăng liên tiếp; lạm phát cũng ở mức thấp, chỉ khoảng 3% trong năm.
Bà Lê Thị Lệ Hằng - Tổng Giám đốc công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), cho biết thời gian qua đã gặp rất nhiều công ty quản lý tài sản và ngân hàng cá nhân ở châu Âu. Qua trao đổi cho thấy sự quan tâm của họ vào TTCK Việt Nam hiện nay rất cao với nhiều cơ hội hơn.
Có còn ngập ngừng?
Tuy vậy, như chia sẻ của vị lãnh đạo quỹ Dragon Capital, các công ty quản lý quỹ lớn trên thế giới rất muốn đầu tư vào Việt Nam, có trường hợp như một công ty của Mỹ muốn đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam, nhưng hiện đang gặp khó khăn.
Theo ông Dominic, việc tăng quy mô thị trường là bắt buộc. Quốc hội Việt Nam dự kiến tăng trưởng 70% trong 5 năm tới, nhưng Dragon Capital tin rằng có thể đạt tới 100%.
Chính phủ Việt Nam đang tỏ ra quyết tâm trong việc giải quyết khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng cũng cần sự giúp đỡ của các quỹ đầu tư, đơn cử như quỹ SSI (SSIAM) có thể giúp phát triển quỹ hưu trí để cân bằng phần cung.
Yếu tố quan trọng thứ hai là chất. So sánh về mặt bằng giá, Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Các công ty cần có trách nhiệm, các nhà đầu tư cần biết bảo vệ mình và các cơ quan quản lý cần có thêm thẩm quyền. Các nhà đầu tư ngoại đang khá băn khoăn về vấn đề cơ quan quản lý tại Việt Nam và đó là lý do khiến họ còn ngập ngừng trong vấn đề đầu tư.
Dưới góc nhìn của mình về TTCK Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đánh giá quy mô thị trường, tính thanh khoản... là những yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn, nhất là vốn ngoại.
Điều quan trọng là tính minh bạch của thị trường, tính nghiêm ngặt của chuẩn kiểm toán để nhà đầu tư ngoại có thể nhìn nhận, so sánh nghiên cứu đầu tư. Nhưng, khi bước vào cơ chế thị trường, chúng ta phải cạnh tranh, từ việc cạnh tranh với thị trường châu Âu, châu Mỹ, thị trường Thái Lan, Philipines, Malaysia…
Đề cao về mặt chất lượng là điều quan trọng trên TTCK hiện nay, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đã lưu ý là các
nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào đánh giá phân tích là cần chất lượng.
Chính những vấn đề về quản trị công ty, minh bạch công bố thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, xử lý vi phạm, thanh tra… là rất quan trọng mà nhà đầu tư ngoại quan tâm.
Bên cạnh đó, công cụ Giao dịch mua ký quỹ chứng khoán (margin), sử dụng đúng quy định thì sẽ không bóp méo giá cả, từ đó tạo lòng tin cho nhà đầu tư ngoại. Về phía Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ông Bằng cho biết đang tái cấu trúc phát triển cả về lượng và chất.
Về việc nâng hạng thị trường, theo giới chuyên gia, đây là một câu chuyện khó khăn. Chúng ta đã đáp ứng được về vốn hóa, tăng trưởng theo chuẩn MSCI, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc ở việc room nước ngoài, giảm thiểu thủ tục đầu tư gián tiếp.