Bước phát triển quan trọng trong thương mại toàn cầu


Sau một năm đàm phán và thêm 4 tháng rà soát pháp lý, thỏa thuận đầu tiên được đàm phán trong  Khuôn khổ Kinh tế Thịnh vượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) đã được công bố. Thỏa thuận IPEF liên quan đến Khả năng phục hồi của Chuỗi cung ứng mang lại cho thế giới những hiểu biết cụ thể đầu tiên về những gì IPEF có thể bổ sung vào cấu trúc kinh tế của khu vực.

Nguồn: Green WorldWide Shipping
Nguồn: Green WorldWide Shipping

Hy vọng trở thành “diễn đàn lâu dài”

Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng dễ bị tổn thương dưới tác động của chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh, các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu quan tâm nhiều hơn trong việc hợp tác để bảo đảm tính chống chịu của các chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, một số thỏa thuận, liên kết song phương, khu vực về chuỗi cung ứng đã được hình thành nhưng mới chỉ ở dạng sơ khởi. Thỏa thuận Chuỗi cung ứng trong khuôn khổ IPEF có thể được xem như là cam kết hợp tác đa phương lớn nhất trên thế giới về chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu hiện tại.

Cụ thể, theo Thỏa thuận, các thành viên IPEF thống nhất thiết lập một khuôn khổ để cùng xây dựng hiểu biết chung về các rủi ro lớn trong chuỗi cung ứng; cải thiện khả năng điều phối và ứng phó với gián đoạn chuỗi cung ứng; hợp tác để hỗ trợ phân phối kịp thời hàng hóa bị ảnh hưởng; chuẩn bị tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc xác định, quản lý và giải quyết tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, huy động đầu tư; thúc đẩy tính minh bạch của các quy định trong các ngành, hàng hóa quan trọng; đảm bảo cho người lao động và doanh nghiệp được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng linh hoạt, hiệu quả...

Các cơ chế thể chế mới của Hiệp định Chuỗi cung ứng có thể mang lại những kết quả cụ thể hơn, bao gồm Hội đồng Chuỗi cung ứng IPEF, Mạng lưới Ứng phó khủng hoảng Chuỗi cung ứng IPEF để chuẩn bị và ứng phó với sự gián đoạn và Ban Cố vấn về Quyền lao động IPEF, gồm các đại diện chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.

Các quan chức chính phủ cấp cao từ các quốc gia đối tác của IPEF thành lập Hội đồng Chuỗi cung ứng IPEF với trách nhiệm giám sát các nỗ lực hợp tác nhằm giải quyết các thách thức về chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trọng tâm chính của Hội đồng Chuỗi cung ứng IPEF sẽ tập trung vào các lĩnh vực và hàng hóa quan trọng, không chỉ đối với an ninh quốc gia mà còn đối với phúc lợi, an toàn công cộng và ổn định kinh tế. Hội đồng này dự kiến tổ chức ít nhất các cuộc họp thường niên, tích cực tạo điều kiện hợp tác giữa các chuyên gia về chủ đề, cho phép họ đánh giá năng lực của chuỗi cung ứng. Lập bản đồ hoạt động một cách chi tiết, xác định các điểm nghẽn và tích cực khám phá các chiến lược để mở rộng nguồn cung cấp cho các ngành và hàng hóa.

Bên cạnh đó, thỏa thuận này cho phép các nước rút lui sau ba năm nếu hoàn cảnh cho phép. Và sau 5 năm, các quốc gia tham gia sẽ bắt tay vào quá trình xem xét để cân nhắc các cải tiến và sửa đổi phù hợp với bối cảnh kinh tế đang phát triển. Các quốc gia khác cũng được khuyến khích tiếp tục tham gia sau năm đầu tiên, điều này sẽ giúp mở rộng phạm vi và ảnh hưởng của thỏa thuận.

 Mỹ hy vọng IPEF sẽ trở thành một “diễn đàn lâu dài” cho các cuộc đàm phán. Sự tham gia hiệu quả và bền vững của các cơ quan thuộc IPEF và các bên liên quan sẽ củng cố IPEF như một phần quan trọng trong cấu trúc kinh tế khu vực.

Còn nhiều thách thức

Thỏa thuận Chuỗi cung ứng IPEF bao gồm một danh sách dài các kế hoạch của các bên nhằm làm cho chuỗi cung ứng trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Điều này bao gồm mọi thứ từ việc tăng cường tính minh bạch, tạo thuận lợi cho đầu tư và khuyến khích sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật số.

Hầu hết các mục tiêu đều đáng khen ngợi, đặc biệt khi xem xét những thách thức trong việc đạt được sự đồng thuận giữa nhiều người tham gia IPEF. Những điều này ít nhất có thể đặt ra các tiêu chuẩn cơ bản và có thể cung cấp thông tin cho các quy tắc bắt buộc trong tương lai. Song, rủi ro là chúng sẽ trở thành những “quy định cứng” với rất ít tác động hữu hình.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc mới cũng có thể làm dấy lên mối lo ngại về việc IPEF sẽ hút sự chú ý và nguồn lực từ các sáng kiến khác như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hoặc các diễn đàn khác lấy ASEAN làm trung tâm.

Một số người tham gia IPEF cũng có thể gặp khó khăn khi tham gia tích cực vào toàn bộ hoạt động. Các bên cũng sẽ điều chỉnh sự tham gia của mình tùy thuộc vào quan điểm của họ về mức độ lâu dài của IPEF, đặc biệt đối với cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. 

Các thỏa thuận IPEF là Thỏa thuận Điều hành dành cho Mỹ, trong đó đặt sự tham gia của quốc gia này dựa theo ý muốn của bất kỳ tổng thống tương lai nào. Thỏa thuận Chuỗi cung ứng cố gắng ngăn chặn sự thay đổi quan điểm có thể xảy ra bằng việc yêu cầu các bên phải duy trì với tư cách là thành viên trong ít nhất ba năm, tuy nhiên lại không có cách nào thực sự hiệu quả để thực hiện yêu cầu này. Nếu Chính phủ Mỹ trong tương lai không nhìn thấy giá trị của thỏa thuận thì sẽ rất khó để "giữ chân" nước này ở lại.

Những lo ngại về tương lai cũng có thể giải thích cho việc đặt ra khung thời gian và chương trình làm việc mà các cơ quan trong chuỗi cung ứng khác nhau đã đưa ra trong thỏa thuận. Chúng phản ánh rõ mong muốn bảo đảm thỏa thuận sẽ mang lại kết quả sớm nhất có thể. Mỹ cũng hy vọng sự phê chuẩn nhanh chóng từ các bên để thỏa thuận có thể có hiệu lực và bắt đầu mang lại được giá trị khi Mỹ bước vào mùa bầu cử.

 Hơn nữa, tại hầu hết các cuộc thảo luận về Thỏa thuận Chuỗi cung ứng IPEF đều đề cập đến việc giải quyết tranh chấp và thực thi, nhưng đúng như dự đoán Thỏa thuận không có bất kỳ quy định giải quyết tranh chấp ràng buộc nào mà chỉ có các yêu cầu tham vấn và báo cáo công khai để khuyến khích việc thực hiện. Với nội dung và các điều khoản của thỏa thuận, đây không phải là điều đáng ngạc nhiên và cũng không phải là mối lo ngại thực sự.

Bên cạnh đó, sẽ tốt hơn và chắc chắn có tác động hơn nếu thấy được kết quả cụ thể cho các doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng, chẳng hạn như kết quả ràng buộc về sự gắn kết pháp lý hay cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Nếu không có những kết quả đó thì không rõ cơ chế giải quyết tranh chấp truyền thống sẽ có hiệu quả hay không. Điều đó cho thấy rằng, một kết quả tương tự đối với các trụ cột của IPEF, với những lợi ích trực tiếp và hữu hình hơn cho thương mại và đầu tư, như các quy tắc thương mại kỹ thuật số trong trụ cột một có thể đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của các bên liên quan. Cơ cấu giải quyết tranh chấp trong trường hợp không có khả năng tiếp cận thị trường sẽ đòi hỏi một số tư duy đổi mới, và có lẽ đây là điều mà Mỹ sẵn sàng thực hiện nhờ nỗ lực cải cách giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Xét cho cùng, Thỏa thuận Chuỗi cung ứng IPEF cho thấy sự sẵn sàng được hoan nghênh để phá bỏ quá khứ và sẵn sàng thử những ý tưởng mới để giải quyết những thách thức mới. Nếu sự tham gia đủ mạnh mẽ, việc triển khai thực tế và các bên liên quan nhiệt tình quan tâm, thỏa thuận này có thể trở thành một khuôn khổ có giá trị để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng trong khu vực.

Tất cả các thỏa thuận sẽ mang lại hiệu quả tốt nếu chúng được triển khai theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, những lợi ích chính của Thỏa thuận Chuỗi cung ứng IPEF phụ thuộc vào các cuộc thảo luận, tham vấn và hợp tác. Vì vậy, thời gian sẽ chứng minh liệu mô hình này có thể chuyển thành kết quả hữu hình hay không.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn