Đẩy mạnh chiến lược tiêu chuẩn để tăng cường thương mại toàn cầu

Hiền Nguyễn

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các giao dịch quốc tế về hàng hoá và dịch vụ đang mở rộng thì việc đẩy mạnh chiến lược tiêu chuẩn của quốc gia là rất cần thiết. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa của doanh nghiệp khi xâm nhập thị trường quốc tế với nhiều tiêu chuẩn khắt khe và cao hơn chính là tăng khả năng cạnh tranh của Quốc gia trên trường quốc tế.

Doanh nghiệp là hạt nhân của hoạt động tiêu chuẩn hóa
Doanh nghiệp là hạt nhân của hoạt động tiêu chuẩn hóa

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều lần hàng hoá của Việt Nam bị cảnh báo tại nước ngoài do không đáp ứng đủ quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại của nước sở tại. 

Theo các chuyên gia, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC…) nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được WTO đặc biệt quan tâm. Đây cũng là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi thâm nhập vào thị trường toàn cầu.

Chính vì vậy, các quốc gia cần phải có tầm nhìn chiến lược trong phát triển tiêu chuẩn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia mình, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu, đưa ra các định hướng phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công bố Chiến lược ISO 2030, xác định bốn "động lực chính của sự thay đổi" là các lĩnh vực mà Tiêu chuẩn quốc tế có tác động và có mức độ liên quan nhiều nhất trên toàn cầu, đó là: kinh tế, công nghệ, xã hội và môi trường. Các thành viên từ 167 quốc gia đã nỗ lực hợp tác, đóng góp vào việc phát triển, hoàn thiện và công bố tiêu chuẩn.

Nhiều quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc... cũng đã ban hành các chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia để tận dụng các lợi thế của việc tiêu chuẩn hóa mang lại.

Tại Trung Quốc, ngay sau khi ra nhập WTO, quốc gia này đã bắt tay xây dựng và triển khai chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và chiến lược này đã thay đổi mạnh mẽ toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc.

Trung Quốc đã rà soát và thay đổi khoảng 85% tiêu chuẩn quốc gia để đảm bảo hài hòa với quốc tế và khu vực. Với định hướng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật phải cao để các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, phương thức quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, tạo đòn bẩy cho hàng hóa Trung Quốc vương ra thế giới.

Trung Quốc đã xây dựng các tiêu chuẩn của mình trở thành một công cụ hữu ích để không những hỗ trợ hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước mà còn đưa hàng hóa, dịch vụ vươn tầm hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực then chốt như hàng không, công nghiệp chế tạo, điện - điện tử, công nghệ bán dẫn, y dược cổ truyền...

Tại Việt Nam, thực hiện Khoản 2 Điều 59 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4560/VPCP-KGVX ngày 21/7/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng dự thảo “Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030”.

Về cơ sở pháp lý, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn, đưa tiêu chuẩn trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội như: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ...

Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia được dựa trên nguyên tắc thống nhất, tự nguyện và chia sẻ, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam.

Nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách nêu trên, Việt Nam cần thiết lập cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn hóa, đề ra các định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo hội nhập quốc tế.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong tình hình kinh tế, xã hội ngày càng phát triển và Việt Nam đang trong tiến trình hòa nhập mạnh mẽ với thế giới, nhu cầu thị trường áp dụng tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực ngày càng đa dạng, tăng cao.

Kinh nghiệm của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, các quốc gia phát triển và thực tiễn của Việt Nam cho thấy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải tôn trọng, ưu tiên nhu cầu thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nếu không tập trung vào thị trường, thì các tiêu chuẩn được công bố, áp dụng sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.

Chính doanh nghiệp là hạt nhân của hoạt động tiêu chuẩn hóa, trực tiếp sản xuất kinh doanh, thấu hiểu nhu cầu thị trường, mong muốn của khách hàng.