Bước tiến cải cách hành chính thuế, hải quan

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020, kết quả cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính tính đến quý I/2016 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công khai thủ tục hành chính

Về cải cách thể chế, trong quý I/2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế; Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Chỉ tính đến ngày 23/3/2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 2 nghị định và 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực thuế, giá, phí, quản lý công sản, quản lý nợ công... Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 48 thông tư và thông tư liên tịch (tính đến ngày 17/3/2016).

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tài chính đã có 4 quyết định công bố TTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, quản lý công sản, ngân sách thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính để thực hiện cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã lập danh mục, chuẩn hóa tên TTHC và ban hành quyết định phê duyệt danh mục TTHC được chuẩn hóa trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, gồm 859 TTHC làm cơ sở cho việc công bố các TTHC chính xác, kịp thời trong thời gian tới.

Hơn nữa, việc rà soát, đơn giản hóa TTHC theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Đã thực thi đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu; trong lĩnh vực thuế, cắt giảm tổng số 420 giờ thực hiện TTHC thuế (từ 537 giờ xuống còn 117 giờ).

Đẩy mạnh hiện đại hóa

Theo tổng hợp từ Phòng Kiểm soát TTHC - Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), thời gian qua, công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 3/2016, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Số lượng doanh nghiệp đăng ký khai thuế điện tử là trên 518 nghìn doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 99,48% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 28 triệu hồ sơ.

Việc nộp thuế điện tử đã triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố. Ngành Thuế đã đã ký thỏa thuận với 45 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử trên toàn quốc. Hiện có trên 495 nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ, số tiền thuế nộp theo phương thức này từ đầu năm 2016 đến nay là trên 72 nghìn tỷ đồng.

Ngành Thuế vẫn đang tiếp tục triển khai rà soát TTHC, theo hướng nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa TTHC để thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ; nghiên cứu, xây dựng quy trình kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT tại trụ sở cơ quan thuế bằng công nghệ thông tin; tiếp tục xây dựng và triển khai quy chế giám sát đoàn thanh tra…

Đối với lĩnh vực hải quan, việc hiện đại hóa quản lý hải quan từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử đã cải thiện đáng kể về mặt thủ tục. Ngay từ đầu năm 2016, ngành Hải quan tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, như: phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Ngành Hải quan hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Cơ quan hải quan đã thực hiện kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Từ ngày 26/10/2015, Việt Nam, cùng các nước trên bắt đầu thực hiện giai đoạn 2 kết nối thử nghiệm để trao đổi Chứng nhận xuất xứ mẫu D và đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho việc kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư về Khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN chính thức được toàn bộ 10 nước thành viên phê chuẩn./.

Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 9 bộ

Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), 28 thủ tục hành chính của 8 bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, cụ thể gồm: Bộ Công thương (4 thủ tục), Bộ Giao thông Vận tải (10 thủ tục), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (7 thủ tục), Bộ Tài nguyên và Môi trường (1 thủ tục), Bộ Y tế (3 thủ tục), Bộ Khoa học và Công nghệ (1 thủ tục), Bộ Thông tin và Truyền thông (1 thủ tục), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (1 thủ tục).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai mở rộng thêm các thủ tục hành chính trên cơ sở danh sách các thủ tục do các bộ đăng ký.